Sách & Ấn phẩm  
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 36 năm 2016

TT

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học công nghệ

 

 

1

GIẢI PHÁP TỔNG THẾ CỤM CÔNG TRÌNH ĐA MỤC TIÊU ĐIỀU TIẾT NGUỒN NƯỚC TỪ SÔNG HỒNG QUA SÔNG ĐUỐNG

Trần Đình Hoà, Ngô Thế Hưng, Bùi Cao Cường,

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nguyễn Thị Linh Chi

Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải miền Trung

Biến động lòng dẫn và hạ thấp mực nước trên sông Hồng (nhất là đoạn qua Hà Nội), việc gia tăng đột biến tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng qua sông Đuống trong những năm gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân vùng hạ du sông Hồng nói riêng và đồng bằng Bắc bộ nói chung. Việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp công trình đa mục tiêu nhằm giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ khó khăn nhưng rất cấp bách. Bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu đề xuất một giải pháp tổng thể vừa nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng, điều tiết tỷ lưu qua sông Đuống và đảm bảo duy trì vận tải thủy trên tuyến sông Đuống được thuận lợi.

2

TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC HẠ THẤP LÒNG  DẪN VÀ MỰC NƯỚC MÙA KIỆT ĐẾN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI  TRÊN SÔNG HỒNG

Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Mạnh Linh

Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Động lực học sông biển

Đặng Hoàng Thanh

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Việc lòng dẫn trên sông Hồng bị hạ thấp đã dẫn đến mực nước mùa kiệt bị hạ thấp đáng kế, các thay đổi trên sẽ tác động bất lợi như thế nào đến hoạt động và ổn định của các công trình thủy lợi trên sông Hồng? Bài báo này sẽ trình bày một số phân tích và kết quả nghiên cứu mới nhất để trả lời cho câu hỏi trên, làm căn cứ cho việc tiếp tục nghiên cứu tìm các giải pháp để giảm thiểu tác động bất lợi này.

3

XỬ LÝ KỸ THUẬT TRONG THIẾT KẾ VÀ THI CÔNG TRẠM BƠM NGHI XUYÊN, TỈNH HƯNG YÊN

Nguyễn Minh Việt, Vũ Chí Linh

Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo

Tiểu dự án Trạm bơm Nghi Xuyên, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Dự án  “Tăng cường quản lý thuỷ lợi và cải tạo các hệ thống thuỷ nông” do ADB và AFD tài trợ (ABD5). Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO) làm chủ đầu tư. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công Tiểu dự án trạm bơm Nghi Xuyên, tỉnh Hưng Yên do Liên danh Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo - Công ty CP tư vấn Xây dựng Thủy lợi Thái Bính lập tháng 9/2012. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 9/2013 và hoàn thành vào tháng 6/2016. Bài báo giới thiệu về công trình và những xử lý kỹ thuật trong quá trình thiết kế và thi công xây dựng.

4

ỨNG DỤNG MÔ HÌNH PCPF-1@SWAT MÔ PHỎNG QUÁ TRÌNH PHÂN HỦY VÀ LAN TRUYỀN THUỐC TRỪ CỎ LƯU VỰC SÔNG SAKURA, NHẬT BẢN VÀ TIỀM NĂNG ỨNG DỤNG Ở VIỆT NAM

Nguyễn Thiện Sơn

Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Mô hình PCPF-1@SWAT được tạo lập từ mô hình PCPF-1 - một mô hình phạm vi thửa ruộng có chức năng mô phỏng quá trình phân hủy và lan truyền của thuốc trừ cỏ và được tích hợp vào trong mô hình phạm vi lưu vực có chức năng mô phỏng lan truyền nước và chất ô nhiễm có tên là Công cụ Đánh giá Đất và Nước (SWAT). Mô hình PCPF-1@SWAT đã được sử dụng để mô phỏng lan truyền thuốc trừ cỏ mefenacet (MF) trên lưu vực sông Sakura (thuộc tỉnh Ibaraki, Nhật Bản) với việc sử dụng các kết quả đo đạc nồng độ mefenacet trong suốt vụ lúa năm 2008. Các thiết lập của mô hình đối với việc mô phỏng quá trình phân hủy và lan truyền thuốc trừ cỏ được tiến hành bằng cách cung cấp các thông số mô hình liên quan đến khí tượng, thủy văn, sử dụng đất, thuốc trừ cỏ và các biện pháp quản lý. Mục tiêu của nghiên cứu này là sử dụng mô hình PCPF-1@SWAT để mô phỏng quá trình phân hủy và lan truyền của 4 loại hoạt chất trừ cỏ cho lúa có tên lần lượt là Mefenacet (MF), Bensulfuron-Methyl (BSM), Imazosulfuron (IMS) và Pretilachlor (PTC) trên lưu vực sông Sakura, Nhật Bản. Từ đó phân tích tiềm năng áp dụng mô hình này vào điều kiện thực tế của Việt Nam.

5

XÂY DỰNG LUẬT THỦY LỢI VÀ VẤN ĐỀ LỒNG GHÉP GIỚI

Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Văn Chiến

Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế

Lồng ghép giới trong quá trình xây dựng pháp luật là một đòi hỏi tất yếu để đảm bảo sự bình đẳng giữa nam và nữ giới. Điều này đã được quy định trong Luật Bình đẳng giới của Việt Nam cũng như  quốc tế. Dự án Luật Thủy lợi đang được xây dựng, hoàn thiện trình Quốc hội phê chuẩn và ban hành cũng không nằm ngoài yêu cầu lồng ghép vấn đề giới nói trên. Mặc dù là một Luật chuyên ngành đặc thù nhưng đối tượng và phạm vi của Luật lại có ảnh hưởng đến đối tượng là người nông dân, trong đó lực lượng phụ nữ ở nông thôn phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp rất lớn. Trong bài viết nêu ra bối cảnh và sự cần thiết lồng ghép giới trong xây dựng Luật Thủy lợi cũng như thảo luận về một số điều, nội dung có liên quan đến việc lồng ghép giới. Nhóm tác giả cũng đưa ra một số đề xuất để quá trình hoàn thiện dự án Luật Thủy lợi đảm bảo khía cạnh giới được lồng ghép đầy đủ.

6

NGHIÊN CỨU HOÀN THIỆN PHƯƠNG PHÁP TÍNH VÀ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH TÍNH TOÁN BIẾN HÌNH MẶT CẮT KÊNH DẪN 
SAU KHI CẮT SÔNG BẰNG KÊNH MỒI TẠI VÙNG TRIỀU Ở ĐỒNG BẰNG NAM BỘ

Lê Văn Tuấn

Viện Kỹ thuật Biển

Sông uốn khúc tồn tại khá phổ biến ở Đồng bằng Nam Bộ (ĐBNB). Trên sông uốn khúc xuất hiện những đoạn sông có hình dạng dị thường gọi là những đoạn sông cong gấp. Các đoạn sông cong gấp gây bất lợi cho việc khai thác tổng hợp dòng sông như vấn đề giao thông thủy, xói lở, thoát lũ – chống ngập. Chỉnh trị đoạn sông cong gấp theo hình thức cắt sông có thể giải quyết tốt các tồn tại trên, tuy nhiên, việc chưa có các công cụ tính toán biến hình lòng dẫn sông cũ và kênh dẫn sau khi cắt sông hỗ trợ việc thiết kế, dự báo với dạng công trình này nên giải pháp cắt sông ít được lựa chọn. Dựa trên phương pháp tính được trung bình hóa của Tạ Giám Hoành (Trung Quốc), tác giả hoàn thiện phương pháp tính và xây dựng chương trình tính tự động áp dụng phù hợp hơn trong điều kiện đồng bằng chịu ảnh hưởng thủy triều ở Nam Bộ. Khi ứng dụng thực tế cho công trình cắt sông khu vực bán đảo Thanh Đa, sông Sài Gòn. Kết quả ứng dụng cho thấy, diễn biến sau cắt sông bằng kênh mồi khá chậm, thời gian diễn biến để kênh dẫn có thể thay thế sông cong cũ có thể kéo dài hàng vài thập kỷ, tuyến kênh mồi muốn phát triển nhanh cần phải có giải pháp hỗ trợ giảm bớt dòng chảy vào sông cũ, mặt cắt ban đầu kênh mồi cần được đào đến gần mặt cắt ổn định theo quan hệ hình thái

7

DỰ TÍNH BIẾN ĐỔI MƯA LỚN Ở LƯU VỰC SÔNG  VU GIA-THU BỒN GIAI ĐOẠN 2015-2039 VÀ GIẢI PHÁP CẮT LŨ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Đỗ Hoài Nam, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Quốc Dũng

Viện Thủy Công

Đặng Thanh Mai

Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương

Bài báo này trình bày dự tính biến đổi mưa lớn ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong giai đoạn 2015-2039 bởi mô hình khí hậu có độ phân giải siêu cao. Kết quả cho thấy lượng mưa trung bình năm được dự báo không thay đổi nhiều, nhưng tần suất và cường độ các trận mưa có thời đoạn (1-3 ngày) dự tính tăng lên đáng kể ở khu vực địa hình núi cao, trong khi đó ở khu vực địa hình thấp ven biển, cực đoan lượng mưa có xu thế giảm so với giai đoạn cơ sở 1979-2003. Bài báo cũng đã giới thiệu giải pháp xả lũ sớm và cho thấy có tính khả thi cao trong việc vận hành hồ chứa thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn đập và giúp giảm nguy cơ lũ lụt cho hạ du.

8

MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU DÒNG CHẢY TRONG BỂ HÚT, BUỒNG HÚT TRẠM BƠM NHƯ QUỲNH QUA MÔ PHỎNG BẰNG PHẦN MỀM FLUENT VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP CẢI TẠO BỂ HÚT, BUỒNG HÚT TRẠM BƠM NHƯ QUỲNH

Đinh Anh Tuấn, Phạm Văn Thu,

Phạm Song Hùng, Nguyễn Hồng Long

Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi

Trạm bơm Như Quỳnh tồn tại một số nhược điểm về thủy lực bể hút, buồng hút. Bài báo này trình báy một số kết quả nghiên cứu dòng chảy bể hút, buồng trên mô hình toán Fluent. Từ đó đề xuất giải pháp cải tạo bể hút, buồng hút trạm bơm Như Quỳnh để trạm bơm vận hành tốt.

9

XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ QUẢN LÝ NGUỒN NƯỚC XUYÊN BIÊN GIỚI VIỆT NAM - CAMPUCHIA

Bùi Việt Hưng

Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Kông của Chương trình Quản lý tổng hợp tài nguyên nước (IWRM-BDS) năm 2016-2020 hướng dẫn sử dụng, phát triển và bảo tồn nguồn nước cho các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) nhằm giải quyết các xung đột ở tiểu vùng sông Mê Kông (LMB). Việc xác định các vấn đề về quản lý nguồn nước xuyên biên giới (T-SWMIs) là bước đầu tiên của dự án. Qua các cuộc khảo sát và phỏng vấn bằng phiếu, phân tích mức độ nhận định ưu tiên về T-SWMIs của các đơn vị liên quan vùng biên giới cả Việt Nam và Campuchia, chúng tôi đã đàm phán song phương để xác định T-SWMIs. Bài báo bày phương pháp thực hiện và xác định từng vấn đề một trong T-SWMIs trên.

10

XÁC ĐỊNH CÁC NHÓM NGUY CƠ GÂY MẤT AN NINH NGUỒN NƯỚC KHU VỰC DÒNG CHÍNH SÔNG ĐÀ

Nguyễn Mạnh Cường

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguyễn Tất Tuấn

Trung tâm Cảnh báo và Dự báo Tài nguyên nước

Mục đích của nghiên cứu là xem xét các nguy cơ gây mất an ninh nguồn nước. Nghiên cứu được tiến hành dựa trên dữ liệu khảo sát người dân và cán bộ quản lý tại các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, và Lai Châu. Ba nhóm thang đo được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm: thang đo nhu cầu sử dụng, thang đo cơ chế chính sách và thang đo yếu tố tự nhiên. Dựa trên dữ liệu khảo sát, mô hình cấu trúc mạng được sử dụng để phân tích các nhóm nguy cơ gây mất an ninh nguồn nước, thông qua 03 bước: (i) Kiểm định độ tin cậy của thang đo; (ii) Phân tích nhân tố khám phá; (iii) Phân tích nhân tố khẳng định. Kết quả phân tích cho thấy: Nhóm nhân tố yếu tố tự nhiên và cơ chế chính sách có ảnh hưởng đến nhóm nhân tố an ninh nguồn nước, trong khi đó nhóm nhân tố nhu cầu sử dụng không có ảnh hưởng đến nhân tố an ninh nguồn nước.

11

XỬ LÝ BÙN LẮNG TỪ NHÀ MÁY XỬ LÝ NƯỚC NGẦM LÀM BỘT MÀU VÀ GẠCH

Đinh Đại Gái, Phí Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Trang

Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Bùn lắng từ các nhà máy xử lý nước ngầm ở nước ta phần lớn có chứa hàm lượng sắt 3 hydroxít rất cao. Tùy theo cấu trúc địa chất của từng vùng, trong bùn thải có chứa một lượng Asen nhất định. Khả năng sử dụng bùn thải làm bột màu và thay thế một phần đất sét trong sản xuất gạch nung là rất cao. Đề tài tập trung nghiên cứu sử dụng bùn thải làm bột màu và gạch nung. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng: (1) Khi nung bùn ở nhiệt độ 800oC trong thời gian 470 phút thì thu được sản phẩm là bột màu đỏ, có hàm lượng Fe2O3 là 59,6%, Asen < 40 mg.kg-1. Sản phẩm chế tạo được có hàm lượng Fe2O3cao hơn sản phẩm cùng loại của công ty Cổ phần Khoáng sản Hải Phòng. (2) Bùn lắng có thể thay thế đến 10% l đất sét trong sản xuất gạch nung và cho gạch sản xúât hệ bùn-đất sét đạt tiêu chuẩn của Việt Nam khi độ ẩm đất sét là 11,54% và độ ẩm bùn là 16,63%.

12

NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA HỒ CHỨA TRẠM THỦY ĐIỆN THƯỢNG LƯU ĐẾN HIỆU QUẢ CỦA TRẠM THỦY ĐIỆN ĐIỀU TIẾT NGÀY Ở HẠ LƯU

Nguyễn Văn Nghĩa

Trường Đại học Thủy lợi

Thủy điện nhỏ đang được đầu tư xây dựng nhiều tại Việt Nam, phần lớn các trạm thủy điện nhỏ này làm việc trên cùng hệ thống bậc thang và xây dựng dưới dạng BOT. Chế độ làm việc của các trạm thủy điện phía thượng lưu ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả năng lượng và kinh tế của trạm thủy điện phía hạ lưu. Mức độ ảnh hưởng đến điện năng mùa khô, điện năng thành phần phụ thuộc vào dung tích và hình thức điều tiết của trạm thủy điện phía thượng lưu. Hồ chứa của trạm thủy điện ở thượng lưu càng lớn, hồ điều tiết càng dài hạn thì mức độ ảnh hưởng càng cao. Do vậy, trong tính toán mô phỏng cần phối hợp vận hành liên hồ chứa thay vì vận hành độc lập nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

13

ĐÁNH GIÁ TÍNH HIỆU QUẢ CỦA RHIZOPHORA APICULATA VÀ NYPA FRUTICANS TRONG GIẢM SÓNG DO TÀU THUYỀN GÂY RA

Lã Vĩnh Trung

Đại học Thủy lợi

Sóng tàu có khả năng gây mất ổn định và sạt lở bờ sông, đặc biệt ở những nơi có mật độ giao thông thủy tấp nập. Trong khi đó, hệ thực vật ven bờ lại có khả năng bảo vệ bờ khỏi mối đe dọa này. Chuyến khảo sát được thực hiện ở tỉnh Cà Mau, Việt Nam nhằm phục vụ cho việc đánh giá khả năng tiêu sóng của hai loài thực vật, Rhizophora apiculata, một loài thuộc họ Đước với bộ rễ chống đặc biệt, và Nypa fruticans, loài dừa nước, qua đó làm sáng rõ sự tương tác giữa sóng tàu và rừng cây ven bờ. Kết quả cho thấy cả R. apiculata và N. fruticans đều đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu sóng, và do đó, có khả năng bảo vệ bờ. Điểm đáng chú ý là chiều cao sóng có thể giảm hơn 50% ngay sau khi sóng lan truyền trong rừng cây một đoạn ngắn. Hệ số rỗng thực vật có ảnh hưởng rất lớn đến sự suy giảm sóng. Kết quả cũng cho thấy loài R. apiculata tiêu sóng hiệu quả hơn loài N. fruticans mặc dù hệ số rỗng lớn hơn. Cấu trúc bộ rễ đặc biệt của R. apiculata giúp sinh ra lực cản lớn hơn có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

14

QUAN HỆ GIỮA THIỆT HẠI KINH TẾ VỚI MỨC ĐỘ NGẬP LỤT ĐÔ THỊ

Trần Nguyên Thiên Trang, Bùi Việt Hưng

Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia T.p  Hồ Chí Minh

 

Quận Bình Thạnh được xem là một nút giao thông quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh bởi vì Bình Thạnh là điểm đầu mối gặp gỡ các quốc lộ 1, 13; cửa ngõ của Thành phố với ga Hòa Hưng và bến xe khách Miền Đông. Ngập lụt đô thị là vấn đề cấp bách đối với người dân sinh sống tại đây. Số lượng điểm ngập và mức độ ngập sẽ tăng cao khi mưa lớn xảy ra cùng lúc với triều cường. Thông qua phân tích các câu trả lời của các đối tượng khảo sát với 160 phiếu được phỏng vấn các hộ gia đình và buôn bán tại khu vực bị ngập do thủy triều và mưa, thuộc các tuyến đường thuộc Quận, xác định giá trị thiệt hại trung bình và mối liên hệ giữa mức độ thiệt hại kinh tế với mức độ ngập trong năm 2014 và 2015.

15

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG, MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ TRONG CHÍNH SÁCH VÀ ĐÀO TẠO CHUYỂN GIAO ÁP DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Nguyễn Tùng Phong, Trần Đức Trinh, Lê Thị Hồng Nhung

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

 

Chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế của khu vực nông thôn Việt Nam. Trong quá trình chuyển giao và ứng dụng KHCN, công tác đào tạo tập huấn và chính sách khuyến khích được cho là nút thắt trong việc áp dụng rộng rãi tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá sơ bộ tại 5 tỉnh trên cả nước mới chỉ từ 40-43% những kiến thức thông qua tập huấn, đào tạo KHCN được đưa vao ứng dụng trong sản xuất của người dân. Đánh giá sâu cho thấy số lượng các hoạt động chuyển giao KHCN và tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp từ khối khối ngoài công lập cao hơn 4-16% so với khối công lập do tính gắn kết cao với thị trường bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, các phản hồi từ các nhà quản lý và người dân tại 5 tỉnh khảo sát cho thấy có 4 nhóm chính sách được khuyến nghị cho là đóng góp đến hiệu quả chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp đó là chính sách đất đai, vay vốn, đào tạo và kết nối thị trường. Nghiên cứu khuyến nghị trong công tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp, ngoài hỗ trợ về mặt chính sách như khảo sát thì định hướng cách tiếp cận trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao theo hướng “kéo đẩy” – “technology push và market pull” cần được xem xét và khuyến khích

 
 
Các bài liên quan
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 35 năm 2016 (13/10/2017)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 34 năm 2016 (13/10/2017)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 33 năm 2016 (13/10/2017)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 32 năm 2016 (13/10/2017)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 31 năm 2016 (13/10/2017)