Nội quy thư viện  
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 39 năm 2017

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 39 (07/2017)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

I

Khoa học Công nghệ

 

 

T2

VẤN ĐỀ  DỰ BÁO DIỄN BIẾN LÒNG DẪN SÔNG HỒNG KHI XÉT ĐẾN KHAI THÁC CÁT TRÊN LÒNG SÔNG

Nguyễn Ngọc Quỳnh

Đặng Hoàng Thanh

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Tính toán dự báo diễn biến lòng dẫn trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình  trong điều kiện tự nhiên và có xét đến quá trình xói phổ biến do xây dựng các hồ chứa thượng du đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Phương pháp cũng như kỹ năng tính toán dự báo trong các điều kiện trên không phải là vấn đề quá phức tạp, tuy nhiên việc tính toán dự báo sẽ trở nên phức tạp gấp nhiều lần trong điều kiện có các tác động của hoạt động khai thác cát với các điểm khai thác được phân bố  trên phạm vi rộng, công suất và thời gian khai thác không đồng nhất.

T11

NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT TIÊU CHÍ QUY HOẠCH THIẾT KẾ CÁNH ĐỒNG LỚN SẢN XUẤT LÚA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đoàn Doãn Tuấn,

Trung tâm tư vấn PIM

Xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa phụ thuộc vào hai việc: Xây dựng đồng ruộng và tổ chức sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc quy hoạch bố trí đồng ruộng gồm: (i) phương tiện canh tác như máy nông nghiệp, (ii) điều kiện quản lý nước như vận hành tưới tiêu, (iii) điều kiện địa hình như độ dốc và độ lồi lõm của mặt ruộng, (iv) các điều kiện kinh tế - xã hội như khả năng thu gom ruộng đất, mức độ hợp tác và tỷ lệ đất không sử dụng. Tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào các yếu tố như quy mô sở hữu đất đai, sự đồng thuận, năng lực của doanh nghiệp và các tổ chức của nông dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.Cánh đồng lớn, xây dựng trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc quy hoạch bố trí đồng ruộng, thực tiễn tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tại hai vùng Đồng bằng sông Hồng   và Đồng bằng sông Cửu Long, phải tuân thủ các tiêu chí như sau:

Cánh đồng lớn phải được xây dựng trên nền tảng của sự liên kết, trong đó các hình thức liên kết được thể hiện thông qua hợp đồng giữa các tổ chức, doanh nghiệp với hợp tác xãhoặc tổ hợp tác sản xuất.Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất được thống nhất giữa các bên tham gia liên kết, phù hợp với loại cây trồng và đảm bảo phát triển bền vững.

Quy mô diện tích, kích thước lô, thửa ruộng phù hợp với điều kiện thực tại và đáp ứng được với tương lai tích tụ ruộng đất. Đường giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa, tưới tiêu, canh tác chủ động phục vụ thâm canh, tiết kiệm chi phí

T21

NGHIÊN CỨU THÀNH LẬP BẢN ĐỒ NGẬP LỤT TỪ ẢNH VIỄN THÁM RADAR ÁP DỤNG CHO HẠ DU LƯU VỰC SÔNG TRÀ KHÚC, SÔNG VỆ, TỈNH QUẢNG NGÃI

Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Thanh Hùng, Vũ Đình Cương, Nguyễn Thu Huyền,

Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học sông biển

Phạm Quang Sơn

Viện Địa Chất, Viện hàn lâm khoa học Việt Nam

Ảnh hưởng của lũ lụt đối với xã hội và môi trường tự nhiên là rất lớn, do đó việc lập bản đồ ngập lụt là rất quan trọng để từ đó chủ động đề ra các giải pháp phòng chống lũ. Dữ liệu viễn thám có thể được sử dụng để thành lập bản đồ ngập lụt một hiệu quả. Các kỹ thuật lập bản đồ ngập lụt khác nhau được sử dụng bằng các dữ liệu từ các cảm biến viễn thám radar chủ động như Sentinel-1, Alos Palsar. Các cặp dữ liệu không gian thu được từ Sentinel-1 đã được xử lý trong nghiên cứu này. Mỗi cặp bao gồm một hình ảnh trong trận lũ và một hình ảnh khác trước trận lũ. Cả hai hình ảnh trên cùng một khu vực đã được xử lý tạo ra một bản đồ ngập lũ, cho thấy sự lan rộng của lũ lụt vùng hạ du lưu vực sông Trà Khúc, sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi.

T29

DIỄN BIẾN XÓI LỞ BỜ, SUY THOÁI RỪNG NGẬP MẶN VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG CHO DẢI VEN BIỂN HẠ DU ĐỒNG BẰNG SÔNG MEKONG

Trần Bá Hoằng,

Lê Thị Phương Thanh

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Dải đất ven biển, rừng ngập mặn, đê biển là một thể thống nhất, tạo thành một bức tường vững chắc ngăn chặn những tác động bất lợi từ Đại Dương vào đất liền, tăng khả năng lắng đọng phù sa mở rộng diện tích, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

Với vị trí, vai trò to lớn như vậy, nhưng rừng ngập mặn ven biển hạ du sông Mekong đã và đang bị suy thoái nghiêm trọng. Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển không còn hoàn chỉnh, không còn đủ khả năng hỗ trợ cho nhau.Nhiều đoạn bờ biển không còn rừng ngập mặn, xói lở bờ biển đã tàn phá nhiều nhà cửa, công trình hạ tầng, kiến trúc và nhiều thành quả lao động của người dân sống ven biển.

Qua phân tích tài liệu lịch sử, ảnh viễn thám nhiều năm và với sự hỗ trợ của  mô hình toán, mô hình vật lý … đã đánh giá được quy luật diễn biến, phân tích rõ nguyên nhân và định hướng giải pháp khả thi, hiệu quả cho việc khôi phục rừng ngập mặn, phòng chống xói lở dải ven biển hạ du sông Mekong.

T39

NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG MẠNG THẦN KINH NHÂN TẠO (ANN) TRONG DỰ BÁO LƯU LƯỢNG NƯỚC ĐẾN HỒ CHỨA CỬA ĐẠT

Ngô Văn Quận,

Đỗ Phương Thảo,

Trường Đại học Thủy lợi

Nguyễn Xuân Thịnh,

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nguyễn Văn Tiến

Kiểm toán nhà nước

Dự báo lưu lượng nước đến hồ chứa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc vận hành an toàn hồ chứa và phân phối nước hợp lý cho các nhu cầu sử dụng nước . Do vậy, đã có nhiều nghiên cứu nâng cao độ tin cậy của việc dự báo lượng nước đến phục vụ cho công tác quản lý, vận hành hồ chứa. Do đó mục tiêu chính của nghiên cứu này là ứng dụng mạng thần kinh nhân tạo truyền thẳng nhiều lớp (ANN) sử dụng thuật toán lan truyền ngược để dự báo lưu lượng nước đến hồ chứa Cửa Đạt trước 3 ngày trên cơ sở phân tích, đánh giá hai kịch bản: (1) Dự báo lưu lượng đến hồ chỉ xét đến yếu tố lưu lượng dòng chảy và (2) xét đến yếu tố lưu lượng dòng chảy và yếu tố lượng mưa. Kết quả cho thấy, khi có xét thêm yếu tố lượng mưa cho độ chính xác cao hơn. Cụ thể, với dữ liệu của trạm Cửa Đạt, sai số quân phương RMSE giảm từ 75.04091 m3/s xuống còn 56.35318 m3/s và chỉ số xác định R2 nâng cao từ 0.68 lên 0.72, tương tự với trạm Cẩm Thủy, sai số RMSE cũng giảm xuống và chỉ số xác định R2 tăng lên.Kết quả nghiên cứu cung cấp một phương pháp hữu ích trong bài toán dự báo, đặc biệt có ý nghĩa trong công tác quản lý nguồn nước và góp phần quan trọng trong việc xây dựng các phương án quản lý vận hành hồ chứa được chủ động hơn.

T46

XÂY DỰNG BẢN ĐỒ NGẬP LỤT HẠ DU HỒ CHỨA NƯỚC EAĐRĂNG TỈNH ĐẮK LẮK ỨNG VỚI CÁC KỊCH BẢN XẢ LŨ VÀ ĐÁNH GIÁ THIỆT HẠI DO NGẬP LỤT GÂY RA

Hoàng Ngọc Tuấn

Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

An toàn hồ chứa là vấn đề nóng, mang tính thời sự của cả nước hiện nay. Để đảm bảo an toàn hồ chứa trong điều kiện thời tiết bất thường,thay đổi theo hướng bất lợi, lưu lượng lũ lớn hơn thiết kế, lũ chồng lũ làm cho công trình có nguy cơ mất an toàn cao. Cùng với đó là áp lực phát triển KTXH nên hệ thống cơ sở hạ tầng và dân cư sinh sống ở phía hạ du các hồ chứa dọc theo sông suối đã tăng lên một cách nhanh chóng. Vì vậy khi xảy ra lũ cùng với việc xả lũ lớn của các hồ chứa nếu không được cảnh báo một cách kịp thời thì hậu quả thiệt hại về người và tài sản sẽ rất lớn. Để chủ động ứng phó với loại hình thiên tai này, chúng tôi đã ứng dụng bộ công cụ HEC-HMS, HEC-RAS và GIS với nhiều tính năng ưu việt để dự báo lũ, lụt và xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du cũng như đánh giá thiệt hại tiềm năng do ngập lụt gây ra cho 01 công trình đại diện là hồ chứa EaĐrăng của tỉnh Đắk Lắk, làm cơ sở để áp dụng cho các hồ chứa khác của khu vực Tây Nguyên.

T54

CÔNG NGHỆ CẤP NƯỚC NUÔI TÔM THẺ TRÊN CÁT

Hà Văn Thái,

Phạm Văn Đông,

Ngô Thị Phương Nhung

Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh trên cát ít thay nước không tuần hoàn và tuần hoàn khép kín hiện nay được phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển Bắc trung bộ đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho nhân dân trong vùng song hệ lụy về ô nhiễm môi trường để lại cũng rất lớn gây nên dịnh bệnh sảy ra thường xuyên, phát triển ngành tôm không bền vững.  Nguồn nước cấpcho các ao nuôi là hết sức quan trọng góp phần quyết định thành công trong khi nuôi.

Trong phạm vi bài báo tác giả đưa ra phương pháp tính toán nhu cầu nước cho 1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát và một số hình thức cấp nước biển cho khu nuôi đã được thực hiện và kiểm nghiệm tại Hợp tác xã nuôi trồng và chế biến Thủy sản Xuân Thành Hà tĩnh trong 3 vụ nuôi năm 2016 và 2017 với 2 hình thức lấy nước là:(1) Lấy nước trực tiếp từ mặt biển và (2) Lấy nước thông qua tầng cát lọc tự nhiên

T65

NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ ĐỘ CỐ KẾT CỦA NỀN ĐẤT YẾU ĐƯỢC 
GIA TẢI TRƯỚC KẾT HỢP THOÁT NƯỚC THẲNG ĐỨNG

Nguyễn Hồng Trường,

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Nguyễn Hữu Thái

Trường Đại học Thủy lợi

Khi xử lý nền đất yếu thì độ cố kết được dùng như một trong những tiêu chuẩn để đánh giá hiệu qủa của việc xử lý nền bằng phương pháp gia tải trước. Độ cố kết thường được tính từ số liệu lún hoặc từ biến đổi áp lực nước lỗ rỗng. Trong nghiên cứu này, kết quả thí nghiệm mô hình vật lý nền sét yếu được gia tải trước kết hợp thoát nước thẳng đứng, cho thấy độ cố kết của nền khi được đánh theo các phương pháp khác nhau thì cũng cho kết quả sai khác nhau từ 0,6 đến 9,8%. Vì vậy, trong các trường hợp cụ thể, cần xem xét bố trí điểm quan trắc và lựa chọn phương pháp đánh giá độ cố kết cho phù hợp.

T73

XÂY DỰNG PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DÒNG CHẢY TỐI THIỂU THEO CÁCH TIẾP CẬN TỔNG HỢP CÁC YẾU TỐ THỦY VĂN, THỦY LỰC VÀ SINH THÁI

Nguyễn Thị Kim Dung

Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Nước là một tài nguyên quý giá, có ảnh hưởng quan trọng và quyết định đến đời sống cũng như sự phát triển chung của xã hội. Việc xác định dòng chảy tối thiểu (DCTT) cho vùng hạ du nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững Kinh tế - Xã hội – Môi trường là hết sức cấp bách và cần thiết. Trong bài báo này, tác giả trình bày một cách tiếp cận tổng thể để xây dựng phương pháp xác định DCTT cho vùng hạ du sông có xét đến ảnh hưởng của việc điều tiết các hồ chứa thượng nguồn. Trong đó, tập trung đi sâu phân tích ba yếu tố chính là thủy văn, thủy lực và sinh thái. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định DCTT cho vùng hạ du lưu vực sông (LVS).

T82

ĐỀ XUẤT BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC XÂY DỰNG NĂNG LỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, THIÊN TAI TẠI CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ CẤP LÀNG XÓM THÔN

Phạm Hồng Cường

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Việc đề xuất một bộ tiêu chí đánh giá năng lực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai tại cộng đồng dân cư cấp làng, xóm thôntrong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu giúp cho các địa phương tự đánh giá được năng lực ứng phó, chống chịu với các tác động bất lợi của thiên tai và biến đổi khí hậu, cũng như giúp các nhà quản lý nắm được thực trạng năng lực của các địa phương. Bài báo này trình bày nguyên tắc xây dựng, phân tích đưa ra nhóm các chỉ tiêu và đề xuất bộ tiêu chí đánh giá năng lực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai tại cộng đồng dân cư cấp làng, xóm thôn.

T90

ĐÁNH GIÁ BIẾN ĐỔI CÁC ĐẶC TRƯNG THỦY VĂN, DÒNG CHẢY THIẾT KẾ LƯU VỰC SÔNG PÔ-KÔ TỈNH KON TUM SỬ DỤNG MÔ HÌNH KHÍ HẬU AGCM3.2S

Boonsy Sitthideth, Vannasin Hansackda

Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Nguyễn Mai Đăng

Trường Đại học Thủy lợi

Đỗ Hoài Nam

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Bài báo trình bày kết quả đánh giá tác động của BĐKH đến chế độ dòng chảy, các đặc trưng thủy văn và dòng chảy thiết kế ở lưu vực sông Pô-Kô tỉnh Kon tum trong các giai đoạn trung hạn (2020-2039) và dài hạn (2080-2099) dựa trên dự tính lượng mưa bởi mô hình khí hậu có độ phân giải siêu cao AGCM3.2S. Kết quả cho thấy ở giai đoạn khí hậu trung hạn các đặc trưng thủy văn và dòng chảy năm thiết kế có xu thế giảm nhẹ; tuy nhiên, dòng chảy lũ thiết kế lại tăng khá mạnh so với giai đoạn cơ sở (1989-2008). Trong khi đó, kết quả tính toán cho giai đoạn dài hạn phản ánh mức tăng của hầu hết các đặc trưng thủy văn, đặc biệt mức tăng khá lớn đối với dòng chảy lũ thiết kế. Đây là một cơ sở quan trọng hỗ trợ công tác quy hoạch và quản lý lưu vực sông thích ứng với BĐKH.

T97

XÓI MÒN BỀ MẶT VÀ VẬN CHUYỂN BÙN CÁT TRONG LƯU VỰC SÔNG LÔ

Lê Thanh Hùng

Trường Đại học Thủy Lợi

Bài báo này đề cập vấn đề xói mòn bề mặt và vận chuyển bùn cát trong lưu vực sông Lô, từ đó làm cơ sở dự báo ảnh hưởng của sự thay đổi thảm phủ và xây dựng hồ chứa đến xói mòn bề mặt và vận chuyển bùn cát lưu vực. Phương trình mất đất phổ dụng hiệu chỉnh (RUSLE), mô hình tập trung dòng chảy, thay đổi sử dụng đất, ảnh hưởng của hồ chứa đã được sử dụng để tính toán trong mô hình xói mòn và vận chuyển bùn cát trong điều kiện tự nhiên và điều kiện thay đổi thảm phủ. Thay đổi tình hình sử dụng đất, khoảng 20% diện tích rừng chuyển đổi thành đất nông nghiệp và 15% biến thành đồng cỏ và đồi trọc, lượng bùn cát vận chuyển trong sông tăng 28%. Hồ chứa Thác Bà và hồ chứa Tuyên Quang sau khi đưa vào khai thác đã làm thay đổi hàm lượng bùn cát dòng chảy từ 1971 và 2005. Phân tích các số liệu quan trắc về hàm lượng bùn cát, giảm khoảng 95% lượng bùn cát vận chuyển trong sông Chảy do tác động của hồ Thác Bà và giảm khoảng 71% trong sông Gâm do tác động của hồ Tuyên Quang.

T105

XÂY DỰNG MÔ HÌNH BÁN PHÂN BỐ MÔ PHỎNG DÒNG CHẢY CHO MỘT SỐ LƯU VỰC SÔNG LỚN VÀ VỪA KHU VỰC NAM TRUNG BỘ

Lê Thị Hải Yến,

Ngô Lê An

Trường Đại học Thủy lợi

Các mô hình mưa dòng chảy được ứng dụng rộng rãi nhằm mô phỏng dòng chảy từ mưa. Các mô hình thông số tập trung có ưu điểm tính toán nhanh, số liệu đầu vào ít nhưng không mô tả được phân bố các đặc trưng khí tượng thuỷ văn theo không gian nên chỉ phù hợp với các lưu vực nhỏ. Các mô hình thông số phân bố có ưu điểm mô tả tốt biến động theo không gian cả mặt đệm lưu vực lẫn các yếu tố khí tượng thuỷ văn nhưng các mô hình đòi hỏi lượng số liệu lớn, thời gian tính toán lâu hơn. Nghiên cứu này xây dựng mô hình bán phân bố kết hợp các ưu điểm của hai nhóm mô hình thông số tập trung và phân bố dựa trên mô hình NAM và diễn toán Muskingum. Mô hình được mô phỏng thử nghiệm cho các lưu vực vừa (Nông Sơn, Thành Mỹ) và lưu vực lớn (Củng Sơn) cho kết quả hệ số Nash ở các bước hiệu chỉnh và kiểm định đều trên 0,80 thể hiện tính hiệu quả và khả năng ứng dụng tốt của mô hình

T114

SỬ DỤNG THUẬT TOÁN NSGA II TỐI ƯU VẬN HÀNH TRỮ NƯỚC MÙA MƯA SỬ DỤNG CHO MÙA KHÔ TRÊN HỆ THỐNG KÊNH CHÍNH VÙNG 9 XÃ KÊNH LÊ XUÂN ĐÀO, HỆ THỐNG THỦY LỢI NAM NGHỆ AN

Nguyễn Quang An

Ban quản lý TƯ các dự án Thủy lợi

Vùng kênh Lê Xuân Đào gồm 9 xã nằm phía Đông Nam của huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, có tổng số diện tích tự nhiên là 4.637,6 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 2.475,41 ha. Đây là vùng đồng bằng chủ yếu sản xuất nông nghiệp, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt, hạn hán, gió lào, ... Do đặc điểm khí hậu, thủy văn của khu vực, lượng mưa hàng năm tương đối cao nhưng có sự phân bố không đều, chiếm 85% vào mùa mưa, mùa khô chỉ có 15% tổng lượng mưa năm, dẫn đến hiện tượng thừa nước vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô.

Bài báo giới thiệu kết quả ứng dụng thuật toán NSGA II tối ưu hóa việc thu trữ nước trong mùa mưa nhằm cung cấp đủ lượng nước thiếu hụt trong mùa khô cho sản xuất nông nghiệp và giảm chi phí bơm tiêu trong mùa mưa.

T120

NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP CẢI THIỆN TÌNH HÌNH DÒNG CHẢY SAU KHI XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH KÈ VÀ ĐƯỜNG, CHỈNH TRANG ĐÔ THỊ  DỌC BỜ SÔNG CÁI - NHA TRANG

Nguyễn Kiên Quyết

Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải

Nội dung bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện tình hình dòng chảy và diễn biến sông sau khi xây dựng các công trình kè và đường, chỉnh trang đô thị dọc bờ sông Cái – Thành phố Nha Trang. Kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi xây dựng công trình kè, đường dọc bờ sông, bao quanh các cồn Ngọc Thảo, Nhất Trí, cầu Ngọc Thảo kết hợp thanh thải các cồn T0, T1, T2 dòng chảy lũ 3% mực nước dâng lớn nhất còn khoảng 15 cm; độ dâng mực nước thượng lưu cầu Đường Sắt còn 13 cm; tỷ lệ phân vào lạch Tả đoạn sông từ cầu Đường Sắt đến cuối cồn Ngọc Thảo chiếm 66,7% (tăng 10 %); lạch Hữu là 33,3%. Đoạn sông từ cuối cồn Ngọc Thảo về hạ lưu, tỷ lệ phân vào lạch Xóm Bóng là 81,7% (tăng 7,7 %); lạch Hà Ra 18,3%;. Như vậy, khi thanh thải các cồn T0, T1, T2 đã làm giảm mực nước dâng do công trình tạo ra và điều chỉnh lại tỷ lệ phân lưu để lạch trái thoát lũ tốt hơn, nhằm giảm thiểu hiệu quả xấu do công trình gây ra, tăng khả năng thoát lũ cho đạn sông, cải tạo cảnh quan và giá trị khai thác cho đoạn sông

T127

ỨNG DỤNG MÔ HÌNH HỒI QUY LOGISTIC DỰ BÁO ỐNG BỂ TRÊN HỆ THỐNG PHÂN PHỐI NƯỚC

Phạm Thị Minh Lành

ĐH Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh

Phạm Hà Hải

ĐH Kiến Trúc Tp. Hồ Chí Minh

Vũ Thị Vân Anh

ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM

Trương Thị Thu Hằng

ĐH Thủy Lợi, số 2 Trường Sa

Nguyễn Quang Trưởng và Lê Đình Hồng

ĐH Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh

Hiện tượng bể ống cấp nước thường xuyên xảy ra trên các hệ thống phân phối không những gây nên những tổn thất về mặt kinh tế cho các công ty cấp nước mà còn là nguy cơ để các chất ô nhiễm xâm nhập vào đường ống cấp nước. Một số mô hình đã được phát triển để xác định khả năng xảy ra ống hỏng từ số liệu thống kê hoặc thực nghiệm, tuy nhiên đa số các mô hình đều giới hạn cho vật liệu ống kim loại, trong khi số lượng ống nhựa như uPVC, HDPE được sử dụng rất nhiều trên mạng lưới lại bị bỏ qua. Trong bài báo này sẽ đề xuất mô hình hồi quy logistics để xác định mối liên quan giữa hiện tượng ống bể và các đặc điểm của đường ống trên mạng lưới phân phối, từ đó đưa ra dự báo về xác suất bể ống cho tất cả các loại vật liệu ống dẫn trên mạng lưới cấp nước. Kết quả của mô hình được kiểm chứng cho mạng lưới phân phối nước quận Hải Châu thành phố Đà Nẵ

 

 
 
Các bài liên quan
 Phiếu mượn sách thư viện (16/12/2014)
 Nội quy thư viện Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên (16/12/2014)