Nội quy thư viện  
Việt Nam chịu nhiều rủi ro do phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước sông quốc tế

 

Sáng 17-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về 'An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập' với sự chủ trì của Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và chỉ đạo tại hội nghị.

Theo báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguồn nước của nước ta phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế là một trong những thách thức về an ninh nguồn nước. Tuy nước ta có tới 3.500 sông suối có chiều dài từ 10km trở lên, có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000km2, nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn.

 

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc phiên giải trình. Ảnh: TTXVN.

Việt Nam chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước, phù sa; việc chuyển nước từ dòng chính sông Mê Kông ra khỏi lưu lực (Thái Lan) ảnh hưởng lượng nước cấp cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cũng theo khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đối với các sông biên giới, lượng nước về hạ du (phía Việt Nam) giảm so với các năm trước; các sông biên giới với Trung Quốc có mực nước thấp, dòng chảy thay đổi theo hướng xói vào phía Việt Nam, có khu vực vào sâu tới 80m như khu vực xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình bày nêu thống kê, nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia. Nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông, chiếm tới 63%, lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông.

Quang cảnh phiên giải trình. Ảnh: TTXVN

Việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông sẽ có tác động đến biến đổi dòng chảy về nước ta, dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng.

Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, giai đoạn từ nay đến năm 2040 trên lưu vực sông Mê Kông, trong khi Việt Nam định hướng duy trì hoặc giảm diện tích tưới, thì diện tích tưới tại các quốc gia thượng nguồn sẽ tăng từ 2-3 lần. Bên cạnh đó theo số liệu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, trong khoảng 30 năm từ 1973-2009, diện tích rừng tại các quốc gia tiểu vùng Mê Kông giảm đến 31% cũng đã tác động làm suy giảm dòng chảy mùa cạn, gia tăng dòng chảy mùa lũ trên lưu vực sông.

Theo công bố tại nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế năm 2017, khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược, đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL, dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040.

Nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia. Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, đặc biệt tác động bất lợi đến vùng ĐBSCL là vô cùng lớn và không thể đảo ngược.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra tại hội nghị cũng nêu rõ, dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước mặt, nước ngầm khá phong phú, nhưng nguồn nước mặt phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Hằng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta lượng nước khoảng 520 tỷ m3 (chiếm khoảng 63%).

Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/ người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/ người/năm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá, nguồn nước mặt chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài là một trong những thách thức lớn với an ninh nguồn nước của nước ta. Để bảo đảm an ninh nguồn nước, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đã triển khai nhiều giải pháp, như tập trung lập quy hoạch tài nguyên nước; điều tra, đánh giá tài nguyên nước; kiểm soát chất lượng nước; phòng chống ô nhiễm nguồn nước; quản lý vấn đề xả thải vào lưu vực sông, thúc đẩy sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm hiệu quả; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt; xử lý sự cố ô nhiễm nguồn nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản trị nguồn nước, quản lý sông quốc tế.

Các giải pháp được các thành viên Chính phủ nêu ra tại cuộc giải trình là tăng cường nguồn lực đầu tư cho hạ tầng về nước, nhất là nước sinh hoạt, hồ chứa cho các vùng thường xuyên bị khô hạn, các dự án biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước; xây dựng đề án chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sản xuất quy mô lớn để thích ứng với điều kiện tự nhiên ở các vùng thường xuyên bị hạn hán; thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác trong chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới…


 
 
Các bài liên quan
 Phiếu mượn sách thư viện (16/12/2014)
 Nội quy thư viện Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên (16/12/2014)