Thông tin KHCN  
Bảo vệ thành công kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước KC08.03/16-20 “Nghiên cứu đánh giá rủi ro ngập lũ tại các ngầm tràn khu vực miền Trung và đề xuất hệ thống cảnh báo sớm”
 

      Chiều ngày 14/09/2020, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên đã bảo vệ thành công kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước KC08.03/16-20 “Nghiên cứu đánh giá rủi ro ngập lũ tại các ngầm tràn khu vực miền Trung và đề xuất hệ thống cảnh báo sớm”do ThS. Nguyễn Văn Lực làm chủ nhiệm.

        Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm 09 thành viên do GS.TS Trần Thục (Ban chủ nhiệm Chương trình KC.08/16-20) làm  Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch hội đồng là TS Hoàng Đức Cường (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường;  2 ủy viên phản biện là GS. TS Nguyễn Thế Hùng (Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) và GS.TS Lê Đình Thành (Trường ĐH Thủy lợi); các ủy viên còn lại đến từ Viện Công nghệ thông tin – Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Địa lý, Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN & PTNT)

         Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS. TS Nguyễn Vũ Việt – Giám đốc Viện và PGS.TS Nguyễn Thanh Bằng – Trưởng Ban Kế hoạch tổng hợp tham dự

          Về phía cơ quan thực hiện đề tài có ThS. Nguyễn Văn Lực – Chủ nhiệm đề tài; TS Hoàng Ngọc Tuấn – phó chủ nhiệm, thư ký để tài - Viện trưởng Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên tham dự . 

          ThS. Nguyễn Văn Lực, chủ nhiệm đề tài đã thay mặt nhóm nghiên báo cáo tóm tắt về quá trình và kết quả nghiên cứu của đề tài sau 4 năm thực hiện:

Mục tiêu đề tài:

-          - Đánh giá được mức độ nguy hiểm và thực trạng cảnh báo của các ngầm tràn ở khu vực miền Trung.

-          - Xây dựng được các tiêu chí xác định mức độ nguy hiểm trong mùa lũ của các ngầm tràn.

-           - Đưa ra được các giải pháp cảnh báo sớm dựa trên công nghệ thông tin và tự động hóa cho các cụm ngầm tràn, nhằm han cường tính chủ động cho các cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của chính quyền địa phương…

-          -  Xây dựng thí điểm hệ thống cảnh báo sớm cho một khu vực nguy hiểm.

Các kết quả chính đã đạt được và những đóng góp của đề tài bao gồm:

-           - Đã đánh giá được hiện trạng các công trình ngầm tràn của 14 tỉnh miền Trung trên cơ sở số liệu điều tra về chất lượng công trình, tình hình thiệt hại người, tài sản, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội liên quan đến khu vực. Trên cơ sở đó đã xây dựng được 1 bộ CSDL đầy đủ trên nền WebGis làm cơ sở phục vụ công tác nghiên cứu cũng như hỗ trợ các cấp chính quyền và địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là cảnh báo ngập lũ tại các ngầm tràn.

-          - Xây dựng được bộ tiêu chí và các chỉ tiêu xác định được mức độ nguy hiểm của ngầm tràn. Trong đó đã lượng hóa cụ thể các chỉ tiêu về ngập lũ thể hiện qua trị số cột nước và lưu tốc trên ngầm tràn, chỉ tiêu về số người và phương tiện (xét cho xe ô tô, xe máy, và người đi bộ), chỉ tiêu về ổn định, an toàn của công trình và chỉ tiêu về khả năng chống chịu, cũng như mức độ tổn thương của cộng đồng ở quanh khu vực.

Với bộ tiêu chí này có thể đánh giá nhanh cũng như phân loại các ngầm tràn theo các mức độ nguy hiểm, từ đó giúp cho các cấp chính quyền và người dân có chủ động hơn cũng như giảm thiểu tối đa các thiệt hại trong công tác phòng chống thiên tai tại địa phương. Trên cơ sở bộ tiêu chí đã được xây dựng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành áp dụng cụ thể cho 70 công trình ngầm tràn đại diện cho 14 tỉnh và thiết lập các quan hệ cột nước H (m), lưu tốc V (m/s) tương ứng với các cấp lưu lượng Q khác nhau cũng như các yếu tố liên quan đến rủi ro ngập lũ.

-         -  Đã đánh giá mức độ nguy hiểm, thực trạng cảnh báo và xây dựng được 1 bộ CSDL ngầm tràn của 14 tỉnh miền Trung: Đã đánh giá được mức độ nguy hiểm của 72 ngầm tràn miền Trung dựa trên bộ tiêu chí đã được thiết lập. Trong đó có 10 công trình ở mức “Ít nguy hiểm”, 26 công trình ở mức “Nguy hiểm” và 36 công trình ở mức “Rất nguy hiểm”. Đã đánh giá được thực trạng cảnh báo cũng như chỉ ra được những điểm bất cập trong công tác cảnh báo ngầm tràn. Hiện nay chúng ta thường cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, cột thủy chí để đo mực nước và khi xảy ra lũ thường lập các rào chắn, barie và cử lực lượng chức năng (CSGT, Quân đội, dân quân) túc trực, cơ bản là chúng ta bị động, không có dự báo ngập lũ cũng như công cụ cảnh báo sớm. Vì vậy mà các tai nạn xảy ra là rất lớn. Đã xây dựng được 1 bộ CSDL đầy đủ trên nền tảng WebGis. Trên cơ sở dữ liệu về bản đồ, các thông tin về ngầm tràn như: vị trí, thông số kĩ thuật, một số thông số thủy văn, thủy lực cũng như thông tin về tình hình thiệt hại đã xảy ra, tích hợp các quan hệ giữa cột nước H (m), lưu tốc V (m/s) tương ứng với các cấp lưu lượng Q (m3/s).

-         - Đề xuất được hệ thống cảnh báo sớm ngập lũ tại ngầm tràn và phương thức truyền tin. Ứng dụng thử nghiệm thành công một mô hình mẫu hệ thống cảnh báo sớm ngập lũ cụm ngầm tràn sông Trường – sông Oa huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, tính toán thiết kế, thi công vận hành mô hình cảnh báo sớm ngập lũ cụm ngầm tràn tại 1 công trình thường xuyên xảy ra ngập lũ và rất nguy hiểm tại tỉnh Quảng Nam.

Các thông số chính của hệ thống:

- Trạm đo mực nước: 01 trạm đặt ở sông Trường, cách ngầm 9050m về phía thượng lưu và 01 trạm trên sông Oa tại ngay ngầm sông Oa. Sử dụng loại đo mực nước kiểu áp suất, truyền số liệu qua mạng điện thoại di động GSM/GPRS. Năng lượng sử dụng cho hệ thống là module lưu trữ 100Ah (gồm pin mặt trời và ắc quy lưu trữ).

- Trạm cảnh báo tự động: gồm có barie cảnh báo kiểu xoay ngang bằng thép dài 4m có 2 cánh, sử dụng động cơ 24VDC, công suất 40W trên có gắn đèn cảnh báo, loa phát thanh có công suất 2030W.

- Phần mềm cảnh báo sớm: là phần mềm chạy trực tiếp trên nền website, có thể truy cập từ bất kỳ thiết bị có kết nối internet nào, bao gồm có 4 module chính:

·         Module cơ sở dữ liệu.

·         Module chương trình tính toán cảnh báo sớm chạy trên server.

·         Module chương trình quản lý cảnh báo sớm.

·         Module hiển thị cảnh báo tại ngầm tràn trên giao diện Web theo thời gian thực có thể xem trên Internet máy tính, điện thoại thông minh.

- Kết quả vận hành thử nghiệm cho tràn lũ năm 2019: Trong năm 2019 xuất hiện 2 trận lũ lớn vào ngày 16/10/2019 và ngày 30-31/10/2019. Hệ thống được kích hoạt đưa vào sử dụng và cho kết quả ban đầu rất khả quan.

-         -  Đã biên soạn được 1 sổ tay hướng dẫn thiết kế, lắp đặt thi công và quản lý vận hành.  Nội dung sổ tay được biên soạn theo mẫu quy định trong đó thể hiện đầy đủ chi tiết quy trình khảo sát, thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, biện pháp thi công, lắp đặt đối với từng hạng mục cũng như hướng dẫn quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng của hệ thống cảnh báo sớm.

 * Tác động và hiệu quả mang lại của đề tài

  - Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan

        Kết quả của đề tài sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác cảnh báo lũ, công tác quản lý tại các ngầm tràn, nơi mà hằng năm bị thiệt hại rất lớn về người và của.

        Xây dựng được bộ CSDL đầy đủ về hệ thống ngầm tràn các tỉnh miền Trung, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học cũng như quản lý.

         Xây dựng được BTC và sổ tay hướng dẫn.

 - Đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả

         Đề thực hiện được đề tài, đơn vị chủ trì đã phối hợp với những đơn vị có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng bản đồ ngập lũ, thiết kế hệ thống cảnh báo và truyền tin… Ngoài ra, còn phối với với Chi cục Phòng tránh thiên tai miền Trung và Tây Nguyên, là đơn vị quản lý về thiên tai tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nên có rất nhiều kinh nghiệm và số liệu liên quan đến lĩnh vực này. Chính vì vậy, đội ngũ các nhà khoa học của đơn vị chủ trì đề tài sẽ được tiếp xúc, làm việc với nhiều chuyên gia, nhà quản lý, từ đó nâng cao năng lực nghiên cứu.

        Ngoài ra, hướng nghiên cứu của đề tài cũng rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như: thủy lợi, giao thông, công nghệ điện tử - viễn thông, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, … cho nên đây cũng là cơ hội rất tốt để đội ngũ các nhà khoa học có một tầm nhìn bao quát về các vấn đề khoa học cũng như thực tiễn, trau dồi han kiến thức cho bản han về đa lĩnh vực.

 - Đối với kinh tế - xã hội và môi trường

        Đề tài thành công sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của khi mưa lũ về tại các điểm ngầm tràn. Chính quyền địa phương sẽ chủ động hơn trong công tác quản lý, cảnh báo và điều người trực tại những điểm nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Người dân cũng sẽ yên tâm và chủ động hơn trong việc đi lại qua các ngầm tràn.

       Phát biểu kết luận phiên họp Hội đồng, GS.TS Trần Thục – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả đề tài, đề tài đã thực hiện khối lượng nghiên cứu lớn, đề tài có tính cấp thiết, xử lý được những vấn đề vướng mắc và khó khăn tại địa phương. Các thành viên Hội đồng và các đại biểu dự họp đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể để nhóm nghiên cứu đề tài sửa chữa, hoàn thiện sản phẩm sau nghiệm thu để giao nộp cơ quan quản lý theo quy chế quản lý khoa học công nghệ.

Kết quả đánh giá của Hội đồng: 100% thành viên Hội đồng bỏ phiếu đánh giá đề tài ở mức Đạt 

Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu:

Description: C:\Users\1909\Downloads\IMG_6968.JPG

ThS Nguyễn Văn Lực báo cáo kết quả đề tài

 

Toàn cảnh Hội đồng

 

GS.TS Trần Thục - Chủ nhiệm Hội đồng nhận xét đề tài

GS.TS. Nguyễn Thế Hùng - Ủy viên phản biện nhận xét đề tài

 
 
Các bài liên quan
 Cấp nước sạch cho xã Hòa Bắc bằng công nghệ "bơm va" (08/07/2019)
 Kiểm tra định kỳ đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu giải pháp phát triển công trình thủy lợi nhỏ gắn với tiết kiệm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực Tây Nguyên nhằm ứng phó với hạn hán (07/05/2018)
 Kiểm tra định kỳ đề tài "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ khai thác nước ở các sông, suối nhỏ phục vụ cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho các loại cây ăn quả vùng sườn đồi huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng" (24/07/2017)
 Nghiệm thu đề tài: “Ứng dụng bộ công cụ dự báo lũ và cảnh báo ngập lụt sau hạ du do xả lũ gây ra cho các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ ở khu vực tỉnh Đắk Lắk” (25/04/2017)
 Họp Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài cấp Thành phố (27/05/2016)