Sách & Ấn phẩm  
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 71 năm 2022

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỦY LỢI
SỐ 71 (04-2022)

Trang

Tên bài báo

Tác giả

Tóm tắt

2

Cơ sở khoa học áp dụng phương pháp màng bao dữ liệu DEA trong đánh giá hiệu quả quản lý vận hành hệ thống tưới bằng động lực quy mô nhỏ

 

Đinh Văn Đạo,
Nguyễn Tùng Phong
Trần Văn Đạt

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

 

Đánh giá hiệu quả quản lý vận hành các hệ thống tưới bằng động lực quy mô nhỏ theo cả khía cạnh kinh tế và kỹ thuật đang là vấn đề cấp thiết, làm nền tảng xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý tưới trong bối cảnh chuyển đổi sang cơ chế giá. Hiện nay các phương pháp truyền thống chưa chỉ ra được nguyên nhân đi cùng với giải pháp mang tính định lượng. Nghiên cứu này đã khảo lược cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất phương pháp toán phi tham số - màng bao dữ liệu DEA để ứng dụng trong đánh giá hiệu quả quản lý vận hành các hệ thống tưới bằng động lực quy mô nhỏ vùng đồng bằng sông Hồng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra cơ sở lý thuyết hình thành bài toán tối ưu và khả năng áp dụng DEA theo mô hình hiệu quả theo hướng chú trọng đầu vào với giả thiết hiệu quả không đổi theo quy mô CRS và hiệu quả thay đổi theo quy mô VRS dựa trên các yếu tố là hao phí, chi phí đầu vào và diện tích tưới lúa. Các chỉ số hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả quy mô, hiệu quả chi phí tối ưu, suất chi phí chung, suất chi phí cho từng yếu tố đầu vào và cơ cấu chi phí ở các lớp hiệu quả có thể được xác định từ DEA. Đây là nền tảng đề xuất các cơ cấu chi phí tối ưu và đề xuất giải pháp áp dụng cho các đơn vị quản lý vận hành và cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng chính sách.

Từ khóa: DEA, hiệu quả, hệ thống tưới, quản lý vận hành

12

Nghiên cứu nguyên nhân xói lở bờ biển đông bán đảo Cà Mau bằng mô hình toán

 

Lê Thanh Chương
Nguyễn Bình Dương

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Tình trạng xói lở bãi và sạt lở bờ biển đã và đang diễn ra khá phổ biến ở  nhiều khu vực vùng ven biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó vùng ven biển thuộc bán đảo Cà Mau (BĐCM) là một trong những khu vực có tình trạng xói lở khá nghiêm trọng. Để có thể có đưa ra giải pháp bảo vệ bãi hiệu quả, nhóm thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng chống xói lở, ổn định bờ biển đoạn từ Sóc Trăng đến Mũi Cà Mau” đã thực hiện mô phỏng quá trình thủy động lực, bùn cát và hình thái vùng nghiên cứu thời điểm hiện tại và một số trường hợp bất lợi trong tương lai để phân tích, đánh giá nguyên nhân gây xói lở của khu vực ven biển đông BĐCM.

Từ khóa: Xói lở bờ biển, thủy động lực, hình thái, bán đảo Cà Mau

24

Nghiên cứu thực trạng, phân tích về ưu nhược điểm của các công trình tiêu giảm sóng hiện đang áp dụng tại vùng ven biển Nam Định

Doãn Tiến Hà
Vũ Công Hữu
Mạc Văn Dân

Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Động lực học sông biển

Hiện nay, Nam Định có tổng chiều dài đê biển là 91,981 km. Trong đó, huyện Giao Thủy có 31,16 km (15,5 km trực diện với biển); Hải Hậu có 33,323 km (20,5 km trực diện với biển); Nghĩa Hưng có 26,325 km (4,8 km trực diện với biển). Sau khi thực hiện nâng cấp, đến nay về cơ bản Nam Định đã nâng cấp, kiên cố hóa được trên 60 km đê biển và đê cửa sông, có thể chống chịu được gió bão cấp 10 triều 5%. Để nâng cao an toàn cho tuyến đê biển nhằm chống chịu được với các điều kiện thời tiết cực đoan (sóng, bão lớn) thì dọc ven biển Nam Định, tại các đoạn đê xung yếu đã xây dựng một số hệ thống công trình ngăn cát, giảm sóng. Mặc dù đã được xây dựng khá nhiều, nhưng có rất ít nghiên cứu chi tiết nhằm đánh giá về hiệu quả của dạng công trình này. Bài báo này sẽ đi sâu vào nghiên cứu, đánh giá về thực trạng và những ưu, nhược điểm của dạng công trình tiêu giảm sóng ở ven biển Nam Định

36

Nghiên cứu khu hệ động vật nổi phục vụ nuôi trồng thủy hải sản bền vững ở vùng biển tỉnh Kiên Giang

Trần Vĩnh Hoàng
Phạm Văn Tùng
Huỳnh Đức Khanh
Trần Trọng
Phan Mạnh Hùng

Viện Kỹ thuật Biển

Kiên Giang là một tỉnh có nhiều tiềm năng về nuôi trồng thủy hải sản, nhưng để phát triển lĩnh vực này một cách bền vững vẫn tồn tại những vấn đề ít được nghiên cứu và Động vật nổi là một trong số đó. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu về Động vật nổi tại đây nhằm mục đích đánh giá khu hệ Động vật nổi làm cơ sở cho việc chỉ thị môi trường sinh thái trên vùng biển này. Từ đó đưa ra được những nhận định, kiến nghị góp phần phục vụ cho việc nuôi trồng thủy hải sản bền vững tại vùng biển Kiên Giang. Mẫu Động vật nổi đã được thu tại 19 điểm vào đợt tháng 10/2020 và 14 điểm vào đợt tháng 4/2021. Tại mỗi điểm, mẫu được thu bằng cách dùng lưới vớt hình nón (có kích thước mắt lưới 120µm, đường kính miệng 40cm có gắng lưu tốc kế) để kéo ở tầng mặt với tốc độ 0,5m/s. Kết quả đã thu được 71 loài Động vật nổi thuộc 11 nhóm, trong đó có 62 loài là thức ăn của cá. Mật độ trung bình trên toàn vùng biển là 14.844 cá thể/m3. Nhóm Giáp xác Chân mái chèo có số loài đa dạng nhất (46 loài) và cũng chiếm ưu thế nhất về mật độ. Vào mùa mưa các chỉ tiêu về thành phần loài, mật độ, chỉ số đa dạng H’ và giá trị tính đa dạng Dv đều cao hơn so với mùa khô. Điều này có thể phản ánh điều kiện môi trường sinh thái giữa hai mùa ở vùng biển Kiên Giang là khác nhau, do đó trong nuôi trồng thủy hải sản tại đây cần chú ý đến việc biến đổi môi trường sinh thái từ sự thay đổi mùa gây ra. Ngoài ra, vào mùa mưa có ghi nhận sự xuất hiện của nhóm loài nước ngọt tại vùng biển Dương Đông của đảo Phú Quốc, đây cũng là điểm cần lưu ý cho vấn đề nuôi biển tại nơi này.

46

Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện tổ chức quản lý nước mặt ruộng thuộc hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, sông Đáy

Trần Việt Dũng
Nguyễn Duy Tiến

Trung tâm Tư vấn PIM

Trần Hưng
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường

Hiện nay, tổ chức thủy lợi cơ sở thuộc vùng hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, sông Đáy đều là các Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN). Các HTX được thành lập từ lâu và cơ bản đã được chuyển đổi theo Luật HTX kiểu mới. Sau khi công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bàn giao cho Công ty quản lý, đến nay đã được phân cấp lại cho các tổ chức TLCS. Các tổ chức TLCS với nguồn thu hạn hẹp, không đủ chi, công trình hư hỏng, thủy nông viên thiếu động lực làm việc, tổ chức TLCS chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Để đáp ứng tinh thần của Luật Thủy lợi, việc củng cố tổ chức TLCS cần có kế hoạch, lộ trình phù hợp nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của các hộ sử dụng nước. Bài báo này, trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động của các tổ chức thủy lợi cơ sở, triên khai văn bản chính sách của địa phương để đề xuất giải pháp hoàn thiện tổ chức quản lý nước mặt ruộng thuộc hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, sông Đáy

Từ khóa: Tổ chức thủy lợi cơ sở, Hợp tác xã, thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

53

Kết quả nghiên cứu sửa đổi, bổ sung định mức lao động trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi  do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Gia Lai quản lý

Trương Công Tuân
Phạm Thị Dung

Viện Kinh tế và Quản lý thủy lợi

Định mức lao động (ĐMLĐ) là một trong số các định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT) quan trọng trong công tác quản lý, khai thác (QLKT) và bảo vệ công trình thuỷ lợi (CTTL). Định mức lao động là cơ sở để bố trí, sử dụng lao động  hợp lý, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ trong công tác QLKT CTTL. Trong bài báo này, nhóm tác giả trình bày phương pháp và kết quả nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ĐMLĐ trong QLKT CTTL do Công ty Thủy lợi Gia Lai quản lý, từ đó thảo luận về những giải pháp triển khai áp dụng vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình hiện có.

Từ khóa: Định mức lao động

62

Nghiên cứu chế độ thủy động lực theo mùa khu vực cửa Hà Lạn sông Sò phục vụ xác định nguyên nhân bồi tụ vùng cửa sông

Nguyễn Văn Hùng
Nguyễn Thanh Hùng
Vũ Đình Cương,
Nguyễn Thị Thu Huyền
Trần Ngọc Bích
Triệu Quang Quân

Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Động lực học sông biển

Cửa Hà Lạn sông Sò bị bồi lấp ảnh hưởng tới việc tàu, thuyền ra vào cảng neo đậu. Bài báo này đã sử dụng mô hình Delft3D để tính toán mô phỏng chế độ thủy động lực cho một năm đại biểu để làm rõ sự biến động của các yếu tố thủy động lực vùng cửa sông theo mùa trong năm. Biến động thủy động lực theo mùa sẽ được sử dụng tìm hiểu nguyên nhân bồi tụ của cửa sông và đề xuất các giải pháp chỉnh trị chống bồi lấp luồng tàu, phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng cửa Hà Lạn nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung.

74

Kết quả  thử nghiệm hệ thống bơm năng lượng mặt trời cho trang trại quy mô vừa và nhỏ

Phạm Phúc Yên
Nguyễn Thế Vũ

Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo

Phan Trần Hồng Long
Trường Đại học Thủy lợi

                                                    

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển nên sử dụng năng lượng bền vững như năng lượng mặt trời trong nông nghiệp nên được xem là một hướng phát triển. Khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, có nhu cầu tưới và phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao. Bài báo trình cách mô phỏng phối hợp bơm năng lượng mặt trời với khả năng tích trữ nước cho phát triển xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu áp dụng tính toán cho hệ thống bơm công suất lên đến 15kW tưới vườn măng tây tại tỉnh Ninh Thuận.

Từ khóa: Bơm năng lượng mặt trời, nông thôn mới, năng lượng tái tạo, bơm tưới

80

Đánh giá ảnh hưởng của diễn biến mặn trên các mô hình canh tác khác nhau ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện cần giuộc bằng mô hình HYDRUS 1D

Nguyễn Ngọc Thy
Đại học Nông lâm TPHCM

Võ Khắc Trí
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam

Hoàng Quang Huy
HaskoningDHV Vietnam Ltd

Đồng bằng sông Cửu long hiện nay đang chịu tác động mạnh do biến đổi khí hậu nhất là tại các vùng cửa sông ven biển. Vào mùa khô, thủy triều tiến sâu vào trong nội đồng gây nhiễm mặn nguồn nước và đất ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp. Thêm vào đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và canh tác thủy sản thất bại đã làm ô nhiễm một số lớn diện tích khó phục hồi. Vì vậy việc nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của diễn biến mặn trên các mô hình canh tác khác nhau bằng mô hình mô phỏng Hydrus 1D [1] để tìm kiếm giải pháp canh tác hợp lý trên các điều kiện tự nhiên của khu vực.

Từ khóa: Vùng cửa sông ven biển, Xâm nhập mặn, Mô hình canh tác, Mô hình mô phỏng Hydrus 1D.

91

Đánh giá xu hướng biến động mưa trên lưu vực sông cả giai đoạn 1959 - 2016 sử dụng số liệu thực đo

Lê Thị Thu Hiền
Phạm Văn Chiến

Trường Đại học Thuỷ lợi

Bài báo này trình bày các kết quả đánh giá xu hướng biến động mưa tháng, mùa và năm lưu vực sông Cả trong giai đoạn 1959-2016 sử dụng sử liệu mưa thực đo tại 8 trạm, phân tích thống kê và kiểm định Mann-Kendall. Kết quả thể hiện rằng lượng mưa tháng có xu hướng giảm từ -0.06 đến -3.21 mm/tháng tại vùng thượng và hạ lưu, từ -0.01 đến -1.15 mm/tháng tại vùng trung lưu. Xu hướng giảm không chỉ xuất hiện trong các tháng mùa khô từ tháng V – XI mà còn xảy ra ở các tháng mùa mưa như tháng VI. Lượng mưa tháng có xu hướng gia tăng trong tháng VII, với giá trị lên đến 3.80 mm/tháng. Lượng mưa mùa (cả mùa mưa và mùa khô) giai đoạn nghiên cứu có xu hướng tăng từ 0.26 đến 5.26 mm/mùa cho mùa mưa và từ 0.08 đến 0.43 mm/mùa cho mùa khô tại Đô Lương và Quỳ Châu. Tại các trạm còn lại, lượng mưa mùa có xu hướng giảm mạnh, với giá trị giảm lên tới -3.4 mm/mùa cho mùa mưa và -1.9 mm/mùa cho mùa khô. Lượng mưa năm có xu hướng giảm mạnh tại Mường Xén, Con Cuông, Sơn Diệm, Hòa Duyệt và Quỳ Hợp, với giá trị giảm thay đổi từ -2.2 đến -3.7 mm/năm, trong khi tại Tương Dương, Đô Lương và Quỳ Châu, lượng mưa năm có xu hướng tăng với giá trị lên đến 6.2 mm/năm.

Từ khoá: Sông Cả, Biến động mưa, Mann-Kendall.

100

Nghiên cứu, đánh giá đặc tính và ứng dụng trong làm sạch của ECO-ENZYME từ vỏ quả họ Citrus

Nguyễn Minh Ngọc
Tạ Hồng Ánh
Đào Xuân Quyền
Nguyễn Tiến Thành

Trường Đại học kiến trúc Hà Nội

 

Eco-enzyme là chế phẩm sinh học được sản xuất từ các chất hữu cơ thải bỏ trong cuộc sống hàng ngày, với quy trình chế tạo đơn giản nhưng có nhiều hiệu quả trong ứng dụng cuộc sống. Với công nghệ sản sản xuất theo tiêu chuẩn 3:1:10 tương ứng với 03 phần nguyên liệu (như vỏ quả cam), 01 phần đường nâu (đường nâu, mật rỉ đường, mật mía …), 10 phần nước và ủ lên men chìm. Nếu sử dụng cho làm sạch và khử trùng tự nhiên thời gian ủ tối thiểu là 10 ngày, còn dùng cho các hoạt động khác thông thường từ 3 tháng trở lên. Nguyên liệu sản xuất Eco-enzyme từ họ citrus có nhiều hoạt chất tăng cường cho khả năng khử trùng, làm sạch và đặc biệt có khả năng kháng khuẩn, ngăn ngừa và phòng tránh các loại virus, vi khuẩn như virus Corona (Covid-19) đang gây bệnh dịch hiện nay.

Từ khóa: Eco-enzyme, lên men, họ cam quýt, làm sạch, kháng khuẩn, Covid-19.

109

Xây dựng mô hình toán học về dòng chảy hở hai chiều đứng bằng tiếp cận đối ngẫu

Nguyễn Thế Hùng
Đại học Đà Nẵng

Mô hình toán học dòng chảy hở hai chiều đứng hiện nay được xây dựng bằng phương pháp trung bình cổ điển, được tích phân từ bờ phải đến bờ trái của con sông từ phương trình Navier-Stockes ba chiều trung bình theo Reynolds; các đại lượng trung bình nhận được theo cách tiếp cận cổ điển này không tổng quát so với cách tiếp cận đối ngẫu. Bài báo này giới thiệu cách tiếp cận đối ngẫu để thiết lập phương trình dòng chảy hở hai chiều đứng; cách xây dựng mô hình này sẽ phức tạp hơn cách xây dựng cổ điển, tích phân có thể được thực hiện nhiều lần. Trong bài báo này, tác giả thực hiện hai lần: (i) lần đầu, tích phân từ bờ sông phải đến mặt phẳng thẳng đứng nằm trong khoảng bờ sông phải và bờ sông trái, và tiếp theo (ii) lần thứ hai, tích phân từ bờ sông phải đến bờ sông trái.

Mô hình dòng chảy hở hai chiều đứng cải tiến nhận được từ cách tiếp cận đối ngẫu này cho phép nhận được các tham số dòng chảy chính xác hơn phương pháp cổ điển. Mặt khác, nó cung cấp thêm một số tham số để điều chỉnh kết quả tính toán dựa theo số liệu đo đạc từ thực tế hoặc thí nghiệm.

Từ khóa: Phương pháp trung bình cổ điển, tiếp cận đối ngẫu, dòng chảy hai chiều đứng, các đại lượng trung bình.

 
 
Các bài liên quan
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 70 năm 2022 (01/12/2022)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 42 năm 2018 (09/04/2018)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 40 năm 2017 (18/12/2017)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 39 năm 2017 (08/11/2017)
 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy lợi số 38 năm 2017 (26/10/2017)