Thông tin KHCN  
Đánh giá tình hình xói mòn trên đất dốc thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam

Đánh giá tình hình xói mòn trên đất dốc thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam

 

Tỉnh Quảng Nam mang đặc thù của các tỉnh duyên hải miền Trung có đầy đủ các địa hình: núi cao, trung du và đồng bằng ven biển. Đất dốc chiếm một phần lớn đất canh tác ở khu vực trung du. Bài viết này chủ yếu tổng kết đánh giá tình hình xói mòn đất trên đất dốc của tỉnh Quảng Nam.

 

                                                                                                                                                                        Tác giả : TS Nguyễn Văn Minh

Tóm tắt nội dung

            Tỉnh Quảng Nam mang đặc thù của các tỉnh duyên hải miền Trung có đầy đủ các địa hình: núi cao, trung du và đồng bằng ven biển. Đất dốc chiếm một phần lớn đất canh tác ở khu vực trung du.  Bài viết này chủ yếu tổng kết đánh giá tình hình xói mòn đất trên đất dốc của tỉnh Quảng Nam.

I. Mở Đầu

Quảng Nam là một tỉnh ven biển với phần lớn diện tích đất tự nhiên là vùng đồi núi và là tỉnh thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm Miền Trung. Hàng năm hiện tượng lũ lụt trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên xảy ra, đã gây thiệt hại đáng kể . Về mùa lũ hầu hết các vùng đồng bằng đều bị từ một đến hai đợt ngập trong nước lũ còn đối với vùng đồi núi hiện tượng lũ quét, lũ ống xảy ra ở nhiều nơi và kéo theo nó là sự bào mòn rửa trôi tài nguyên đất, ô nhiễm môi trường sinh thái.

Đánh giá tình hình xói mòn trên đất dốc thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung là hết sức cần thiết và kịp thời để có những căn cứ khoa học đưa ra những biện pháp cụ thể trong việc bảo vệ và phát triển tài nguyên đất một cách hữu hiệu nhất trong những thời gian tới.

          Toàn tỉnh có tổng diện tích đất tự nhiên 1.040.683ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 113.373ha, đất lâm nghiệp chiếm 443.869ha, chuyên dùng 27.829ha, còn lại là đất chưa sử dụng và đất sông suối chiếm 448.217ha. Nguồn quỹ đất chủ yếu của tỉnh lại là đất lâm nghiệp nằm ở những vùng đồi núi và chiếm 42,65%, phần còn lại là đất nông nghiệp chỉ chiếm 10,89%.

Đất đai trên vùng nghiên cứu bao gồm 10 nhóm đất cơ bản , trong đó có nhóm đất đỏ vàng và mùn đỏ trên núi chiếm diện tích lớn và phân bố rộng, đất dốc tụ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc bố trí cây trồng, vật nuôi trong toàn tỉnh, tiềm năng khai thác đưa vào sử dụng rất lớn, nhằm tạo ra sản phẩm cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây đặc sản, phát triển chăn nuôi đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh. Do nguồn tài nguyên rừng ngày một bị thu hẹp và nghèo nàn dần, nhất là các rừng đầu    nguồn đã dẫn đến độ che phủ rừng thấp, chức năng phòng hộ kém làm cho đất đai bị thoái

hóa, bạc màu, nhiều nơi liên tục có hiện tượng sạt lở với khối lượng lớn đất đá bị rửa trôi.

Cũng như mưa dòng chảy sông ngòi cũng biến đổi theo mùa: mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ hàng năm trên các sông ở Quảng Nam thường chỉ kéo dài 3 tháng, từ tháng X đến tháng XII, nhưng cũng có năm mùa lũ bắt đầu sớm từ tháng IX và có năm kết thúc muộn vào tháng I năm sau. Thời gian bắt đầu và kết thúc mùa lũ hàng năm tuỳ thuộc vào sự hoạt động sớm hay muộn của các loại hình thời tiết gây mưa. Do đặc điểm sông suối ở Quảng Nam ngắn và dốc nên mùa mưa thường gây lũ lụt, lở và rửa trôi, xói mòn đất, mùa khô gây hạn hán kéo theo ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như cấp nước phục vụ dân sinh và phát triển - xã hội.

Lượng mưa trung bình hàng năm của tỉnh từ 2.000mm - 4.200mm với số ngày mưa trung bình từ 130 ngày đến 165 ngày. Trong đó các tháng 2,3,4 là những tháng có số ngày mưa ít nhất, tháng 11 là tháng có số ngày mưa nhiều nhất. Vào mùa mưa từ tháng 9 -12 là thời gian có cường độ mưa lớn nhất và tập trung trong thời gian ngắn nhất, lượng mưa của 3 tháng này chiếm tới 70% tổng lượng mưa của cả năm. Xét trên tổng diện thì những vùng thuộc trung du miền núi có tổng lượng mưa lớn hơn vùng đồng bằng, nhưng lại được phân bố không đều trong năm. Chính sự phân bố lượng mưa không đồng đều theo thời gian và không gian này đã làm ảnh hưởng và gây bất lợi không nhỏ đến điều kiện, khả năng canh tác, cụ thể nơi nào mưa nhiều thì có lũ quét, ngập lụt, hiện tượng rửa trôi và xói mòn đất diễn ra mãnh liệt hơn.

 II. Đánh giá tác hại do xói mòn đất gây ra :

1. Tác hại của xói mòn và lũ lụt, hạn hán :

            Tác hại của xói mòn là vô cùng lớn nhưng trong đó xói lở bờ sông là một loại xói mòn có tính nghiêm trọng nhất và tác hại lớn nhất. Khi xảy ra xói mòn, đất các ven sông, ven suối sẽ bị mất đi hoàn toàn và không thể bù đắp lại.

            Hàng năm có tới hàng ngàn hộ dân sống ven các con sông lớn như Vu Gia Thu Bồn đã phải di dời đi đến nơi khác, hàng ngàn ha đất nông nghiệp bị biến mất làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân địa phương. Vào mùa lũ năm 2001 - 2002 và 2006 tại khu vực Đại Cường - Đại Lộc tỉnh Quảng Nam nước lũ đã làm xói lở đất bãi phù sa, đất nông nghiệp để hình thành một con sông mới (sông Quảng Huế), khi đó dòng chảy trên sông Vu Gia bị chia lưu làm mực nước và lưu lượng nước trên các sông hạ thấp, gây ra hiện tượng xâm nhập mặn tại nhiều nhánh sông và làm cho hàng ngàn ha cây trồng của hai tỉnh Quang nam và Đà Nẵng bị khô hạn.

             Hiện tượng xói lở bờ sông làm tăng đáng kể hàm lượng phù sa trong dòng chảy và gây bồi lắng lòng sông hoặc bồi lấp các cửa lấy nước, hồ chứa nước....Theo kết quả điều tra bồi lắng các hồ chứa nước và nhỏ cho thấy độ đục dòng chảy trên một số con sông thuộc vùng nghiên cứu là khá lớn:

Bảng 1: Trị số độ đục bình quân tháng ,năm

tại một số trạm Thủy văn trong vùng nghiên cứu thuộc tỉnh Quảng Nam

Trạm

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

Năm

Thành Mỹ

24,2

23,2

33,8

48,1

85,4

67,1

59,4

73,1

107

174

174

60,5

157

Nông Sơn

37,1

28,2

30,9

36,2

60,2

54,9

71,7

53,8

75,8

155

184

85,9

147

Những sản phẩm của quá trình phong hoá bề mặt lưu vực, sự xói lở của bờ sông... được nước cuốn theo nhập vào dòng chảy sông ngòi tạo nên dòng chảy bùn cát. Các chất xói mòn bị cuốn trong nước sông thường có hai loại: một loại bị hoà tan trong nước (chất hoà tan) và một loại bị bào mòn cuốn trôi theo dòng nước, khi chảy vào hồ chứa một phần lắng xuống lòng hồ, gây bồi lấp lòng hồ.

            Cũng như dòng chảy nước sông, dòng chảy bùn cát lơ lửng của các sông trong vùng có sự biến đổi theo thời gian và không gian. Do điều kiện hình thành dòng chảy và bùn cát không đồng nhất trên toàn bộ lưu vực nên sự diễn biến của bùn cát trong năm và trong quá trình lũ rất phức tạp, phân phối bùn cát trong năm rất không đồng đều.

            Theo thời gian: Tại Quảng Nam, mùa lũ từ tháng IX đến tháng XII độ đục lớn (tập trung chủ yếu trong 3 tháng I X , X, XI). Vào khoảng từ tháng X bắt đầu những trận mưa – lũ lớn, dòng chảy lớn, xói mòn lưu vực mạnh mẽ nên sông mang theo nhiều bùn cát, lượng bùn cát tăng lên. Lượng bùn cát mùa lũ chiếm từ 87 đến 91% tổng lượng bùn cát cả năm.

            Theo không gian: Tại một mặt cắt đo đạc, lượng bùn cát phân bố không đều. Các số liệu thực đo lượng ngậm bùn cát trong nước tăng dần theo chiều sâu, theo chiều rộng sông và tăng dần từ hai bờ ra giữa sông. Lượng ngậm cát giảm dần theo dọc sông từ thượng lưu về hạ lưu. Do tốc dộ dòng chảy ở thượng lưu lớn nên mức chuyển cát và khả năng gây xói lở mạnh. Các sông có lượng bùn cát lớn nhỏ khác nhau thể hiện mức độ xói mòn ở các vùng mạnh hay yếu khác nhau, có vùng do mưa lớn, có vùng do thổ nhưỡng bị phong hoá, có vùng do lớp phủ thực vật thưa, đất trống đồi núi trọc nhiều...

Do hàm lượng bùn cát giảm dần theo dọc sông từ thượng lưu về hạ lưu, điều này có nghĩa là sự lắng đọng bùn cát theo dọc sông càng tăng, hay đáy sông ở thượng lưu, đáy hồ ngày càng nâng cao hơn.

Bảng 2. Lượng ngậm cát và hệ số xâm thực trên sông Thu Bồn

Vùng

Sông

Lượng ngậm cát r(g/m3)

Hệ số xâm thực K (tấn/km2 năm)

    Quảng Nam

Thu Bồn

147 - 157

353 - 383

2. Xói mòn làm mất diện tích đất trồng trọt và giảm  năng suất chất lượng cây trồng :

            Trong phạm vi vùng nghiên cứu, đất nông nghiệp, đất hoang và đất rừng là chủ yếu. Sự tác động của con người như : khai thác rừng bừa bãi, nạn đốt rừng làm nương rẫy hoặc tình trạng canh tác không khoa học trên nền đất dốc cũng như họat đông nông nghiệp nói chung đã có tác động lớn đến tình hình xói mòn đất hiện nay.

Việc bóc bỏ không có tính toán lớp phủ thực vật hiện có để thay thế bằng loại cây trồng khác là làm giảm khả năng chống đỡ sự phá vỡ liên kết giữa các hạt đất do tác động của năng lượng hạt mưa và dòng chảy, đồng thời sẽ làm tăng số lượng cũng như lưu lượng dòng chảy mặt. Hiện tượng phá rừng di dân hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã có tác động mạnh đến quá trình xói mòn đất. Do sự họat động ngày càng gia tăng của hiện tượng xói mòn mà phần diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần và làm tăng thêm diện tích đất hoang, đất bạc màu, đất nghèo chất dinh dưỡng.

            Hậu quả của xói mòn, không những mùa màng bị giảm về số lượng thu họach mà cả về chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chẳng hạn như độ chắc của hạt, trọng lượng riêng của hạt và các thành phần sinh hóa sẽ thay đổi theo. Đất bị xói mòn nên nghèo chất dinh dưỡng và trở nên không thích hợp với một số loại cây trồng. Do vậy khả năng luân canh xen canh sẽ bị hạn chế và khó khăn rất nhiều với một số vùng đất dốc.             

3. Xói mòn làm ảnh hưởng tới các công trình thủy lợi :

Với khu vực Miền Trung là nơi có lượng mưa, cường độ mưa lớn, có địa hình dốc và  ngắn, thời gian tập trung dòng chảy nhanh, do đó cường độ xói mòn đất xảy ra rất mãnh liệt.  Đối với những hồ chứa nước trên địa bàn nghiên cứu hiện tượng bồi lắng như hiện nay

đã làm nông dần và dẫn tới giảm dung tích trữ nước, ảnh hưởng tới năng lực và nhiệm vụ của công trình trong công tác phòng lũ, cắt lũ hoặc không đảm bảo được năng lực tưới, tiêu.

Bảng 3 : So sánh kết quả bồi lắng

giữa đo đạc thực tế và tính toán thủy văn

TT

Danh mục

Thời gian vận hành

(năm)

KL theo tính toán TV (m3)

Khối lượng theo đo đạc thực tế

(m3)

Chênh lệch

(%)

Khối lượng TBNN

Tổng lượng bồi lắng

1

Thạch Bàn

21

5338

394560

      395383

    0.208

2

Phước Hà

29

18789

154807

      155562

    0.486

Nhận xét:

- Khối lượng bùn cát bồi lắng đo đạc trên thực tế và theo tính toán thủy văn bồi lắng có khác nhau (0.156 - 0.486)%, để đánh giá tốc độ bồi lắng và mức độ gây xói mòn hiện nay một cách chính xác cần thông qua tài liệu đo đạc thực tế và đo  đạc càng nhiều hồ thì mức độ chính xác của tài liệu càng cao.

4. Xói mòn làm ảnh hưởng tới các công trình giao thông:

            Quảng Nam là một địa bàn có nhiều tuyến đường đi qua, tuyến 14E, 14B, đường Hồ Chí Minh và hầu hết các tuyến đường này đều đi qua các khu vực đồi núi. Đây là những đoạn đường đều có chung một đặc điểm hai bên lề đường là những sườn đồi hoặc một bên là sườn đồi còn bên kia là vực sâu. Chỉ riêng có tuyến đường Hồ Chí Minh do mới được thi công nên sườn đất dốc hai bên đường đã được áp dụng biện pháp chống xói mòn, chống sạt lở đất, còn lại thì hầu như chưa có. Tuy nhiên phương pháp áp dụng cho tuyến đường Hồ Chí Minh chưa đủ thời gian phát huy hiệu quả vì mật độ cỏ Vestyvo chưa phát triển, chiều sâu bộ rễ còn nông và khả năng che phủ bề mặt còn thưa thớt, do vậy vào mùa mưa nhiều đoạn đường đã bị sạt lở gây ách tắc giao thông trong nhiều ngày liền.

5. Xói mòn với môi trường sinh thái :

Xói mòn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nhiều về kinh tế, trong đó có sự ảnh hưởng xấu về môi trường sinh thái. Các hạt đất sau khi bị phá vỡ liên kết đã trôi theo dòng nước để di chuyển về phía hạ lưu trên các con sông, suối, hồ ao và làm tăng độ đục trong nước. Do đó một số các nhà máy nước sạch, cũng như các hộ dân sử dụng nguồn nước này trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn khi làm sạch nước. Tuy lượng phù sa trong đất cũng có một phần lợi ích trong việc bồi đắp phù sa cho các cánh đồng, song việc này nếu xét cho cùng thì chưa chắc là lợi hoàn toàn vì tại nhiều vùng đã có một số diện tích đất canh tác đã bị vùi lấp bởi đất đá rửa trôi từ trên núi xuống và che lấp hoàn toàn lớp đất có nhiều nguồn dinh dưỡng có khả năng trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Các chất dinh dưỡng bị rửa rôi di chuyển trong dòng nước sẽ phá vỡ sự cân bằng sinh vật trong môi trường nước bị ô nhiễm, với những hồ trẻ mới được xây dựng thì hàm lượng chất dinh dưỡng còn ở mức thấp, nhưng sau một thời gian sử dụng hoặc những hồ đã được đưa vào sử dụng từ lâu thì hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao, tạo điều kiện cho cho các vi sinh vật phát triển nhanh và trong đó có một số loại vi sinh không có lợi như tảo có thể thấm qua thiết bị lọc làm cho nước uống có mùi vị khó chịu, mặt khác do mật độ tảo chiếm tỷ lệ lớn nên hàm lượng oxy tự do trong nước bị giảm sút và như vậy cản trở quá trình hô hấp của các loại cá.

Trên các con sông lượng phù sa gây nên hàng lọat những vấn đề cho các công trình giao thông thủy lợi như bồi nông tạo các bãi nổi giữa dòng làm thay đổi chiều dòng chảy gây mất ổn định hai bên bờ sông. Trầm tích sông làm bồi lắng các cửa lấy nước, các lòng hồ, đồng thời khi được giải phóng dòng chảy phía dưới đập chuyển sang một chế độ khác và làm cho xói lở phần đáy sông gây mất ổn định cho các trụ cầu, cống, chân đập.

Việc loại trừ vật chất lơ lửng để làm sạch nước là một việc làm hết sức tốn kém, nhưng việc sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý cũng đòi hỏi khoản chi không nhỏ, chẳng hạn đối với các máy bơm trong các trạm bơm tưới tiêu, tuôc bin trạm thủy điện hay các thiết bị tưới phun nhanh bị hư hỏng, hơn nữa lượng phù sa còn làm chậm tốc độ thẩm thấu của nước vào trong đất, gây khó khăn cho các công tác tưới tiêu. Do lượng phù sa nhiều, tốc độ lọc và lắng trong các bể lắng lọc nhà máy nước nhỏ hơn tốc độ thiết kế ban đầu, vì vậy để đảm bảo đủ lượng nước sạch cần phải mở rộng, tăng công suất hoặc xây dựng thêm các nhà máy mới, đồng thời thời chu kỳthau rửa các thiết bị, hạng mục công trình cũng phải nhanh hơn,  gây rất nhiều phiền phức và tốn kém về kinh tế.

Về mức độ ô nhiễm hóa học do xói mòn gây ra có thể được nêu như sau : Đất di chuyển do xói mòn hầu như bao giờ cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn là đất cày còn lại tại chỗ, bởi  số các chỗ chất dinh dưỡng bao giờ cũng được chứa đựng với số lượng cực đại ở các lớp bên trên của bề mặt đất. Hơn nữa những phần nhỏ dễ bị rửa trôi ra khỏi đất và những chất dinh dưỡng, đặc biệt là photpho. Các chất dinh dưỡng hòa tan được dễ bị tác động bởi yếu tố ngoại lực như dòng chảy lỏng còn các chất khó tan như photpho thì lại bị xói mòn, rửa trôi cùng với các hạt đất, việc số lượng bị rửa trôi của các chất dinhh dưỡng trong đất ngày một tăng thêm cùng với mất mát chung của pha rắn là sự gia tăng xói mòn của đất kèm theo với hiện tượng pha loãng, sự hạ thấp nồng độ của các chất dinh dưỡng và do đó làm giảm khả năng hút các chất dinh dưỡng có trong đất của các loại cây trồng, nên  nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triên cũng như năng xuất cây trồng.

III. Kết luận :

             Những công trình nghiên cứu cải tạo đất đầu tiên về xói mòn đã được các nhà  khoa học Đức tiến hành rất sớm từ những năm 1877 và cho đến nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có rất nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế. Song các quá trình xói mòn, nhất là xói  mòn do tác động của dòng chảy vẫn còn gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn, do hậu quả của xói mòn hàng năm đã cuốn trôi đáng kể khối lượng đất đai với biết bao nhiêu hàm lượng các chất dinh dưỡng ra sông, biển. Riêng ở nước ta việc nghiên cứu xói mòn mặc dù đã được tiến hành cách đây hàng thập niên nhưng quy mô còn  nhỏ và chưa phát triển rộng, hiện mới chỉ có một số công trình nghiên cứu tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Sơn Tây.... Qua đó cho thấy chưa thể đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ và chống xói mòn tài nguyên đất trên toàn lãnh thổ.

 Quảng Namlà tỉnh có nhiềutiềm năng về đấtchưa sử dụng, trong đó đấtcó khả năngnông lâm nghiệp gần  300.000 ha, trên 84%dân số sống nghề nông(7 huyện vùng dự ánchiếm 89,6%).Diện tích đất nông nghiệpphần lớn có chủ quản lý, đã và đang được tiến hànhgiao quyền sử dụng cho nông dân.  Điều kiện kinh tế - xã hội còn nghèo,  việc phát triển kinh tế trên những vùng đất có nguy cơ xói mòn và thông qua đó hỗ trợ các dịch vụ chuyển giao công nghệ phòng chống và bảo vệ đất không bị xói mòn sẽ tạo cơ hội cho nông dân vùng nghiên cứu ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập.

Tài liệu tham khảo

  1. Bảo vệ đất khỏi bị xói mòn-Nhà xuất bản “Bông lúa”- Maxcơva năm 1971 của tác giả PX. Zakharốp.
  2.  Bảo vệ đất và chống xói mòn của tác giả N.Hudson- bản dịch- nhà xuất bản Nông thôn dịch.