Dự báo chuyên ngành  
Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên

QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VIỆN KHOA HỌC THỦY LỢI
MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN
(Ban hành theo quyết định số 144/QĐ-VMTTN ngày 16  tháng 10 năm 2013
của Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên)

 

CHƯƠNG I: CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA HỘI ĐỒNG

 

Điều 1: Chức năng

1.1. Hội đồng khoa học Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên (sau đây được gọi tắt là Hội đồng) là tổ chức tư vấn cho Viện trưởng về các lĩnh vực khoa học công nghệ do Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên quản lý và thực hiện.
1.2.
Hội đồng được thành lập theo quyết định số: 144/QĐ-VMTTN ngày 16  tháng 10 năm 2013 của Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên.

Điều 2: Nhiệm vụ

2.1. Tham mưu về chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Viện.

2.2. Định hướng khoa học công nghệ mũi nhọn mà Viện cần thiết tham gia trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp – nông thôn ở các tithuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

2.3. Cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động về khoa học công nghệ.

2.4. Kế hoạch khoa học công nghệ dài hạn và hàng năm.

2.5. Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực khoa học công nghệ.

2.6. Đánh giá chất lượng các sản phẩm khoa học công nghệ do Viện thực hiện.

2.7. Hoạt động thông tin khoa học, xuất bản.

2.8. Xét duyệt chuyển ngạch cho cán bộ khoa học, xét duyệt khen thưởng về khoa học công nghệ.

2.9. Hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ.

Điều 3: Quyền lợi

3.1. Được cung cấp đầy đủ và kịp thời những thông tin cần thiết về khoa học công nghệ khi Hội đồng yêu cầu.

3.2. Tạo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kinh phí để Hội đồng hoạt động.

3.3. Chủ động đề xuất ý kiến tư vấn khi cần thiết.

3.4. Thành viên Hội đồng được hưởng thù lao tư vấn theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Viện.

3.5. Được phép xin thôi tham gia hoạt động Hội đồng trước kỳ hạn.

CHƯƠNG II: TỔ CHỨC VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 4: Tổ chức

4.1. Hội đồng gồm 13 thành viên, trong đó có Ban thường trực.

4.2. Ban thường trực gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Trưởng Ban chuyên môn.

4.3. Mỗi Ban chuyên môn có từ 4 đến 7 thành viên gồm Trưởng ban, Phó trưởng ban, Thư ký và các thành viên.

Điều 5: Các Ban chuyên môn

5.1. Tiểu ban Xây dựng công trình thủy
5.2. Tiểu ban Thủy động lực sông – ven biển
5.3. Tiểu ban Tài nguyên nước và môi trường

Điều 6: Tiêu chuẩn đối với thành viên Hội đồng

6.1. Có uy tín, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn sâu về khoa học công nghệ trong lĩnh vực chuyên ngành.

6.2. Có năng lực tư vấn khoa học công nghệ, tự nguyện và có điều kiện tham gia hoạt động Hội đồng.

Điều 7: Quyền hạn

7.1. Hội đồng: được quy định ở điều 2 của quy chế.

7.2. Ban thường trực:

7.2.1. Xây dựng chương trình công tác của nhiệm kỳ và hàng năm.

7.2.2. Giải quyết những công việc liên quan giữa hai nhiệm kỳ của Hội đồng.

7.2.3. Thông qua chương trình, nội dung của các phiên họp của Hội đồng.

7.2.4. Cử đại diện tham gia phiên họp của các Ban chuyên môn.

7.2.5. Đánh giá hoạt động của các Ban chuyên môn.

7.3. Ban chuyên môn:

7.3.1. Thông qua chương trình hoạt động hàng năm của Ban.

7.3.2. Thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng trong phạm vi chuyên môn của Ban.

7.3.3. Tư vấn thành lập các Hội đồng chuyên sâu để thẩm định, đánh giá, nghiệm thu các sản phẩm khoa học công nghệ.

7.3.4. Báo cáo hoạt động của Ban hàng năm cho Chủ tịch Hội đồng.

7.4. Chủ tịch Hội đồng:

7.4.1. Đề nghị Viện trưởng quyết định thành lập Hội đồng và phê duyệt Quy chế hoạt động của Hội đồng.

7.4.2. Lãnh đạo Hội đồng thực hiện theo quy chế.

7.4.3. Chỉ đạo Thư ký chuẩn bị chương trình, nội dung của các phiên họp Hội đồng.

7.4.4. Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Ban thường trực và Hội đồng.

7.4.5. Duyệt và trình Viện trưởng các báo cáo tư vấn của Hội đồng.

7.5. Phó Chủ tịch Hội đồng:

7.5.1. Phụ trách các lĩnh vực khoa học công nghệ do Chủ tịch phân công.

7.5.2. Thay Chủ tịch Hội đồng điều hành hoạt động của Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng ủy quyền.

7.6. Thư ký Hội đồng:

7.6.1. Chuẩn bị chương trình, nội dung cho các phiên họp của Hội đồng và thường trực Hội đồng.

7.6.2. Thông báo cho các thành viên Hội đồng và khách mời dự họp Hội đồng.

7.6.3. Ghi biên bản các phiên họp Hội đồng, thường trực Hội đồng và lưu trữ hồ sơ của Hội đồng.

7.7. Thành viên Hội đồng:

7.7.1. Tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng. Thành viên vắng mặt 3 lần liên tục không có lý do sẽ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách Hội đồng.

7.7.2. Tham gia ý kiến về những vấn đề đưa ra thảo luận tại các phiên họp của Hội đồng.

7.7.3. Đề xuất với Hội đồng về những vấn đề cần thiết có liên quan đến Hội đồng.

7.7.4. Chấp hành quy chế hoạt động của Hội đồng.

7.8. Trưởng Ban chuyên môn:

7.8.1. Lãnh đạo Ban hoạt động theo các quy định của quy chế này và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về những hoạt động của Ban.

7.8.2. Chỉ đạo Thư ký Ban chuẩn bị chương trình, nội dung các phiên họp của Ban.

7.8.3. Chủ trì các phiên họp Ban.

7.8.4. Duyệt và trình Chủ tịch Hội đồng các báo cáo của Ban.

7.9. Phó trưởng Ban chuyên môn: thay Trưởng Ban điều hành hoạt động của Ban khi Trưởng Ban ủy quyền.

7.10. Thư ký Ban chuyên môn:

7.10.1. Giúp Trưởng Ban chuẩn bị nội dung các phiên họp Ban.

7.10.2. Thông báo các phiên họp Ban đến các thành viên và khách mời.

7.10.3. Ghi biên bản các phiên họp và lưu trữ hồ sơ Ban.

CHƯƠNG III: HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 8: Họp Hội đồng

Hội đồng họp thường kỳ 6 tháng một lần. Khi cần thiết Chủ tịch Hội đồng có thể triệu tập phiên họp bất thường. Chủ tịch Hội đồng có thể mời các đại biểu ngoài Hội đồng tham dự nếu thấy cần thiết. Số lượng đại biểu mời không quá 1/3 thành viên Hội đồng. Đại biểu mời có quyền tham gia thảo luận nhưng không được biểu quyết, bỏ phiếu và tuân thủ quy chế của Hội đồng.

Điều 9: Họp thường trực Hội đồng

9.1. Thường trực Hội đồng họp trước mỗi phiên họp để chuẩn bị chương trình, nội dung của phiên họp Hội đồng.

9.2. Trường hợp cần thiết, thường trực Hội đồng có thể họp theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng.

Điều 10: Họp Ban chuyên môn

Ban chuyên môn họp thường kỳ 6 tháng một lần và họp bất thường theo yêu cầu của công việc. Trưởng ban có quyền mời đại biểu không phải thành viên của Ban tham dự, số lượng đại biểu không quá 1/3 thành viên của Ban. Đại biểu mời có quyền tham gia thảo luận nhưng không được biểu quyết, bỏ phiếu và tuân thủ quy chế của Ban.

Điều 11: Phương thức làm việc của Hội đồng, thường trực và Ban chuyên môn

11.1. Phiên họp phải có mặt ít nhất 2/3 thành viên của Hội đồng mới hợp lệ.

11.2. Kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín chỉ được công nhận khi có ít nhất 2/3 thành viên tham dự biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành.

Điều 12: Kinh phí hoạt động

12.1. Kinh phí hoạt động của Hội đồng, thường trực và Ban chuyên môn được trích từ quỹ phát triển sự nghiệp của Viện.

12.2. Kinh phí đi lại cho các đại biểu khách mời thực hiện theo chế độ hiện hành của Nhà nước và của Viện.

Điều 13: Nhiệm kỳ của Hội đồng và Ban chuyên môn

13.1. Nhiệm kỳ của Hội đồng và Ban chuyên môn là 2 năm.

13.2. Trường hợp thay đổi thành viên của Hội đồng và các Ban chuyên môn do Chủ tịch Hội đồng quyết định và báo cáo Viện trưởng. 

 CHƯƠNG IV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14: Thời hạn hiệu lực

14.1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.

14.2. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng, Viện trưởng sẽ có quyết định sửa đổi hoặc bổ sung bản quy chế này./.

                                                                                                                                VIỆN TRƯỞNG

                                                                               

 

          TS. Hoàng Ngọc Tuấn