Hợp tác quốc tế  
Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên giới thiệu mô hình WEAP đến cán bộ quản lý một số Sở, Ban, Ngành – TP. Đà Nẵng

Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên giới thiệu mô hình WEAP đến cán bộ quản lý một số Sở, Ban, Ngành – TP. Đà Nẵng

 

 

TS. Hoàng Ngọc Tuấn giới thiệu mô hình WEAP

 

 
 
Đà Nẵng được xem là một trung tâm kinh tế chính trị xã hội có vai trò quan trọng trọng khu vực miền Trung Tây Nguyên - Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch cũng thừa nhận rằng thành phố sẽ phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng liên quan đến nguồn nước trong các thập kỷ tới do sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số, do nhu cầu sử dụng nước ở khu vực thượng nguồn và do các hiểm họa về biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hạn hán, xâm nhập mặn, và ô nhiễm từ lũ lụt do BĐKH. Như vậy, trong tương lai nhu cầu nước sạch của Đà Nẵng là rất lớn nhưng nguồn cung cấp nước để đáp ứng cho nhu cầu này lại rất hạn hẹp. Khả năng tiếp cận với những nguồn nước có thể mở rộng và khai thác được còn hạn chế.

 

 

Để ứng phó với những mối lo ngại này, UBND thành phố Đà Nẵng - đại diện là Văn phòng Ban Chỉ đạo ứng phó BĐKH và nước biển dâng (gọi tắt là CCCO) đã đưa ra đề xuất “Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu BĐKH đối với tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng”. Để thực hiện dự án này, CCCO đã có sự hợp tác với Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên và chọn Viện là đối tác chính hỗ trợ về kỹ thuật cho dự án. Cùng với đó là sự hợp tác của các đơn vị có liên quan khác như Sở TNMT, Sở NN&PTNT, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng...

Mục tiêu của dự án là: Đánh giá hiện trạng tài nguyên nước mặt; Đánh giá thực trạng công tác quản lý tài nguyên nước mặt; Dự báo nguồn tài nguyên nước mặt trong bối cảnh phát triển đô thị và BĐKH; Dự báo nhu cầu dùng nước trong bối cảnh phát triển đô thị và BĐKH; Đề xuất các giải pháp thích hợp về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh BĐKH. Để giải quyết bài toán này, Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên - đối tác hỗ trợ kỹ thuật chính của dự án - đã phân tích, đánh giá và quyết định lựa chọn áp dụng mô hình WEAP để tính toán đánh giá nguồn tài nguyên nước của thành phố Đà Nẵng.

WEAP (Water Evaluation And Planning System - hệ thống quản lý và đánh giá nguồn nước) là sản phẩm của Viện nghiên cứu môi trường Stockholm cơ sở ở Boston nghiên cứu và phát triển. Phần mềm này có khả năng mô phỏng được hệ thống tài nguyên nước trong lưu vực một cách trực quan. Bằng việc đưa ra rất nhiều kịch bản về việc sử dụng nước trong tương lai cùng các định hướng giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước, WEAP là một công cụ đắc lực cho công việc quy hoạch và quản lý tài nguyên nước.

Đây là một mô hình mới được đưa vào áp dụng ở thành phố Đà Nẵng. Trong khuôn khổ nội dung của dự án còn có mục tiêu chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cho cán bộ, chuyên viên của các Sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng: Sở TNMT, Sở NN&PTNT, công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, Đài KTTV khu vực Trung Trung bộ,…bước đầu tiếp cận, có cái nhìn tổng quan về mô hình và tiến đến biết cách sử dụng, hiệu chỉnh được mô hình WEAP với các mục đích cụ thể khác nhau.

Để thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật này và được sự đồng ý của (CCCO), Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên đã tổ chức buổi giới thiệu mô hình WEAP đến cán bộ quản lý một số Sở, ban ngành của thành phố Đà Nẵng có liên quan đến dự án. Buổi giới thiệu có sự tham gia của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên - đối tác hỗ trợ kỹ thuật chính của dự án;  Ông Đinh Quang Cường - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó BĐKH và nước biển dâng thành phố Đà Nẵng; Ông Trần Văn Giải Phóng - Điều phối viên ISET; Ông Đặng Quang Vinh - Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường; Ông Hoàng Thanh Hòa - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão; Ông Martin Falke, và các cán bộ, chuyên viên đến từ các Sở, ban ngành có liên quan… Trực tiếp tham gia giới thiệu mô hình WEAP là ông Thái Phúc Thuận - Thạc sĩ Quản lý dự án Công nghệ nước và Môi trường Đại học Polytech Nice Sophia - Univercity Nice Sophia Antipolis cộng hòa Pháp - đến từ Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên. Người đã được đào tạo chuyên sâu về các mô hình thủy lực, thủy văn, địa lý… và cũng đã có kinh nghiệm trong việc ứng dụng nhiều mô hình cho nhiều lưu vực sông.

 

 

 

ThS. Phúc Thái Thuận giới thiệu mô hình WEAP đến cán bộ, chuyên viên của các Sở, Ban, Ngành – TP. Đà Nẵng

 Chương trình được sự đánh giá cao của ông Đinh Quang Cường - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó Biến đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố Đà Nẵng cùng các cán bộ và chuyên viên tham gia. Qua đây, ông Đinh Quang Cường cũng gửi lời cảm ơn đến Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên với những đóng góp nêu trên và hi vọng sự hợp tác đạt được kết quả cao nhất.

 

Cán bộ của Viện chụp ảnh lưu niệm cùng chuyên gia và cán bộ, chuyên viên của các Sở, Ban, Ngành 

TP. Đà Nẵng


 

 


 

 

 

 
 
Các bài liên quan
 Chương trình truyền giải những chức năng và phương thức sử dụng WEAP cho một lưu vực (04/12/2013)