Tin hoạt động Viện  
Chia sẻ kết quả sử dụng công cụ WEAP trong quản lý nguồn tài nguyên nước

Ngày 30 tháng 01 năm 2015, trong khuôn khổ dự án "Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đối với nguồn tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng" do Quỹ Rockefeller tài trợ mà Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên là Tư vấn kỹ thuật chính của dự án, Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả ứng dụng công cụ WEAP để đánh giá và quy hoạch nguồn tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đinh Quang Cường, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu nhấn mạnh tầm quan trọng, điểm mạnh của công cụ WEAP trong dự báo tính toán cân bằng nước của dự án. Tuy nhiên, công cụ chỉ là phần mềm, do đó, yếu tố con người là yếu tố không kém phần quan trọng khi mà công cụ WEAP phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở, số liệu đầu vào. Qua đó, ông Cường đề nghị các đại biểu tham dự, dựa vào những kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, quản lý sẽ đưa ra những ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn nữa kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung - Tây Nguyên (Tư vấn kỹ thuật chính của dự án)

Ông Trần Văn Giải Phóng, phụ trách kỹ thuật của ISET chia sẻ, dự án tài nguyên nước được thực hiện nhằm hỗ trợ công tác quy hoạch tài nguyên nước của thành phố Đà Nẵng trong tương lai sẽ mang tính chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc (1) đánh giá thực trạng công tác quản lý tài nguyên nước mặt, (2) Đánh giá hiện trạng tài nguyên nước mặt, (3) Dự báo nguồn tài nguyên nước mặt trong bối cảnh phát triển đô thị và biến đổi khí hậu, (4) Dự báo nhu cầu dùng nước trong bối cảnh phát triển đô thị và biến đổi khí hậu, (5) Đề xuất các giải pháp thích hợp về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, Hội thảo này sẽ tập trung vào hai nội dung chính là đánh giá hiện trạng tài nguyên nước và dự báo nguồn nước trong bối cảnh biến đỏi khí hậu và phát triển đô thị thong qua công cụ WEAP.

WEAP là công cụ đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước do Học viện Môi trường Stockholm, Hoa Kỳ thiết lập từ năm 2988. WEAP cung cấp một hệ thống cho việc duy trì thông tin về nhu cầu và cấp nước, WEAP mô phỏng nhu cầu sử dụng nước, cung cấp nước, dòng chảy sông, lưu trữ nước, sự phát sinh ô nhiễm và cách xử lý, WEAP đánh giá đầy đủ các tùy chọn quản lý và phát triển tài nguyên nước và thực hiện sự tính toán việc sử dụng đa mục tiêu và tính ưu tiên của hệ thống tài nguyên nước.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên chia sẻ: Để sử dụng công cụ WEAP, Viện đã xây dựng cơ sở dữ liệu cho mô hình WEAP gồm dữ liệu địa hình, dữ liệu khí tượng thủy văn, phân chia 41 tiểu lưu vực, phân loại 05 thảm phủ dựa trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất mới nhất của Quảng Nam và Đà Nẵng, chọn trạm khí tượng - thủy văn, phân lưu và xâm nhập mặn. Đồng thời xác định nhu cầu dùng nước (dân sinh, thương mại, công nghiệp, công cộng...), hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Bên cạnh đó, tiến hành hiệu chỉnh và kiểm định mô hình.

 


 Ông Đinh Quang Cường - Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo

Ông Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên báo cáo tại hội thảo

 

Kết quả đạt được từ mô hình WEAP được đánh giá như sau:

- Lưu lượng dòng chảy trên sông Cầu Đỏ (4,69 tỷ mét khối) lớn hơn rất nhiều so với các sông Cu Đê (0,6 tỷ mét khối) và Túy Loan, do đó, thành phố Đà Nẵng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống sông Vu Gia. Đặc biệt là vào mùa kiệt, thì lưu lượng sông Cu Đê chỉ bằng 1/10 lưu lượng so với sông Cầu Đỏ.

- Một số yếu tố ảnh hưởng nguồn nước: Biến đổi khí hậu, vận hành hồ chứa, thay đổi diện tích rừng, nhu cầu dùng nước. Trong đó, nhu cầu dùng nước chủ yếu cho đẩy mặn, phát triển đô thị, thay đổi diện tích đất nông nghiệp

- 09 kịch bản cho nguồn nước bao gồm các kịch bản cao, thấp, trung bình, phân chia theo các giai đoạn 2020, 2030, 2050.

- Dự báo nguồn nước đến giai đoạn 2012-2020, 2020-2030, 2030-2050. Đối với sông Cu Đê, lượng dòng chảy về phụ thuộc vào lượng mưa dự báo và không có xu thế rõ ràng. Lưu lượng mùa kiệt ứng với tần suất 95% của các giai đoạn từ 1,2-1,5 mét khối/giây. Cần nghiên cứu đặng nhà máy nước tại đập Hòa Liên vì nguồn nước dự báo sẽ thiếu. Đối với sông Cầu Đỏ, lưu lượng qua các năm thay đổi tương đối lớn theo lượng mưa, một số năm dự báo ít như 2015, 2033, 2042, 2044 và 2046.

- Nhu cầu dùng nước tăng theo thời gian tương ứng: 20% vào năm 2020 (so với 2012), 40% vào năm 2030 (so với 2020), 58% (so với 2012),  gấp đôi vào năm 2050 (so với 2030) và gấp ba (so với 2012).

- Thời điểm nhiễm mặn hầu hết rơi vào các tháng 7-9, một số năm xuất hiện trong tháng 10. Số ngày dự báo từ 9-90 ngày, lượng nước thiếu hụt khoảng 180.000 -350.000 mét khối/ngày đêm.

Ông Trần Viết Dũng - đại diện Sở Xây dựng góp ý về việc cần có đề xuất lưu lượng cụ thể để giảm mặn tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ngoài ra, cần bổ sung thêm phần lưu ý khi sử dụng công cụ, ông Trần Văn Giải Phóng có ý kiến thêm. Ông Đinh Phùng Bảo - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ chia sẻ việc tính toán mặt cắt lòng sông là yếu tố quan trọng trong tính toán thủy văn thủy lực, và cần lưu ý sau lũ 1998-1999 thì mặt cắt sông đã có nhiều sự thay đổi do đó cần xác định năm cơ sở... Cần chuẩn hóa số liệu khí tượng thủy văn tại các báo cáo theo đúng con số của ngành khí tượng thủy văn. Ngoài ra, điều chỉnh số liệu về thời gian truyền lũ từ Thành Mỹ về Cẩm Lệ vào khoảng 10 tiếng đồng hồ. Về lưu lượng cần thiết để đẩy mặn tại Cầu Đỏ cần tính toán lưu lượng về An Trạch. Riêng ông Lê Hùng - Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đề nghị không sử dụng độ mặn hằng số, tính toán biên mặn, chọn năm cơ sở có số liệu đầy đủ để làm cơ sở báo cáo...

Kết luận tại Hội thảo, ông Đinh Quang Cường  nhấn mạnh ý nghĩa của hợp phần WEAP và đồng thời đề nghị phía Viện hoàn tất các báo cáo theo góp ý của các đại biểu, làm cơ sở thực hiện báo cáo đề xuất các giải pháp cho thành phố trong quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là trong giai đoạn Đà Nẵng đang quy hoạch quản lý nguồn nước.

 
 
Các bài liên quan
 Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho cây xoài huyện Cam Lâm (09/07/2014)
 Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện miền Trung và Tây Nguyên (23/12/2013)