Hình ảnh hoạt động  
Khảo sát thực tế nguồn nước mặt phía thượng nguồn của hệ thống sông Vu Gia
Khảo sát thực tế nguồn nước mặt phía thượng nguồn của hệ thống sông Vu Gia
10/9/2015

Nhằm tìm hiểu để hoàn thiện các báo cáo chuyên đề trong khuôn khổ Tiểu dự án “Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu BĐKH đối với nguồn tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng” do Quỹ Rockefeller thông qua Viện Chuyển đổi Môi trường và xã hội Hoa Kỳ (ISET) tài trợ, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên và Văn phòng Biến đổi khí hậu đã tiếp tục tổ chức đợt khảo sát thực tế lưu vực sông Vu Gia (Phía thượng nguồn của Đà Nẵng). 

Tham gia chuyến khảo sát thực tế lần này có cán bộ của Văn phòng Biến đổi khí hậu, cán bộ của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên. Sự kiện này đã thu hút cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH MTV Cấp nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng khảo sát thực địa tại lưu vực sông Vu Gia. Đặc biệt, dưới sự giới thiệu thuyết trình của chuyên gia thủy lợi, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vấn đề về đặc điểm thực trạng dòng chảy, nguồn nước được phân tích và phản ánh rõ ràng, cụ thể.

Nhìn chung, sông Vu Gia và sông Thu Bồn tại khu vực bắt đầu của vùng châu thổ sông Vu Gia - Thu Bồn nằm gần nhau, có địa hình thấp dần từ Bắc (Sông Vu Gia) vào Nam (sông Thu Bồn), cao trình đáy sông Vu Gia cao hơn đáy sông Thu Bồn vào khoảng 1,0m. Nền thổ nhưỡng, địa chất của khu vực không bền, chủ yếu là bãi bồi ven sông, thành phần chính là cát, cát pha.

Tại sông Vu Gia (phía Bắc) mùa mưa đến sớm hơn, bao gồm mưa từ sông Bung, sông A Vương và sông Côn; tại sông Thu Bồn (phía Nam) mùa mưa đến muộn và kết thúc muộn hơn. Lũ trên sông Vu Gia lớn hơn và xuất hiện sớm hơn so với lũ trên sông Thu Bồn. Bên cạnh đó, cao trình đáy sông Vu Gia cao hơn đáy sông Thu Bồn khoảng 1m, do đó dẫn đến hiện tượng chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn.

Tại cầu Quảng Huế, chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng đã giới thiệu cho đoàn về  tổng quan lưu vực sông Vu Gia. Đồng thời, chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng cũng đã cung cấp thông tin về đặc điểm mưa tại sông Vu Gia (phía Bắc) đến sớm hơn, bao gồm mưa từ sông Bung, sông A Vương và sông Côn; tại sông Thu Bồn (phía Nam) mùa mưa đến muộn và kết thúc muộn hơn. Lũ trên sông Vu Gia lớn hơn và xuất hiện sớm hơn so với lũ trên sông Thu Bồn. Bên cạnh đó, cao trình đáy sông Vu Gia cao hơn đáy sông Thu Bồn khoảng 1m, do đó dẫn đến hiện tượng chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn.

 

Ông Huỳnh Vạn Thắng giới thiệu tổng quan tại cầu Quảng Huế 

Đoàn thực tế thực sự ấn tượng với thông tin về đợt lũ xảy ra năm 1999 với cao trình lũ đo được là 10,5m gây tràn bãi; nước từ sông Vu Gia đổ thẳng vào sông Thu Bồn, xuất hiện hiện tượng cắt dòng Vu Gia - Thu Bồn. Sự cố cắt dòng sông Vu Gia tạo thành sông Quảng Huế mới năm 1999 - 2001 tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam khiến cho sông Ái Nghĩa thiếu nước nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về dân sinh, kinh tế ở hạ du sông Vu Gia, bao gồm thành phố Đà Nẵng, huyện Đại Lộc, Thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam. Trước thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện Dự án khẩn cấp để khắc phục tình trạng này tại điểm sạt lở trên sông Vu Gia từ năm 2002 và hoàn thành năm 2012. Tuy nhiên, do đặc thù tự nhiên bất lợi về địa hình và địa chất nên nguy cơ tái cắt dòng vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là khi xuất hiện lũ lệch pha.

Tại ngã ba chia nước Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế, đoàn đã thấy được sự phân chia nước từ sông Vu Gia về Ái Nghĩa và Quảng Huế một cách trực quan. Hướng dòng chảy của sông Vu Gia vào sông Quảng Huế và sông Ái Nghĩa đã bị thay đổi, tăng lưu lượng vào sông Quảng Huế và giảm lưu lượng vào sông Ái Nghĩa đã làm cho lòng sông Quảng Huế bị mở rộng hơn, đáy sông bị xói sâu hơn, đồng thời đáy sông Ái Nghĩa bị bồi lấp. Hiện tượng xói sâu sông Quảng Huế và bồi lấp sông Ái Nghĩa vẫn đang tiếp diễn.

 Ngã ba chia nước Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế 

Tiếp tục hành trình, đoàn đã đến thực tế tại Hồ Đồng Nghệ, với diện tích lưu vực 28,5 km2 được xây dựng trên sông Đồng Nghệ. Hồ có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 1.500 ha đất canh tác thuộc Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú thuộc huyện Hòa Vang. Hiện tại đang vào cuối mùa kiệt nên mực nước trong hồ đang xuống dưới mực nước chết.

Hồ Đồng Nghệ 

Tiếp đến là Hồ chứa nước Hóc Khế (có hình giống các múi của quả khế) thuộc xã Hòa Phong huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Hồ có diện tích lưu vực khoảng 2 km2 và có nhiệm vụ tưới cho khoảng 65 ha đất canh tác. 

Và điểm thực địa cuối là tại ba nhánh sông Lỗ Đông, An Lợi, Lỗ Trào, 3 nhánh sông đổ nước xuống sông Túy Loan. Trên sông Lỗ Đông có hồ Lỗ Đông với diện tích lưu vực 3,8 km2, dung tích hồ 40 triệu m3; trên sông An Lợi có hồ An Lợi (thượng nguồn sông Túy Loan) với diện tích lưu vực 1,1 km2, dung tích hồ đạt 10 triệu m3.

Thành phần đoàn tham gia 

Theo kế hoạch, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cùng Văn phòng Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tổ chức tham quan thực địa tại nhà máy Thủy Điện Đắk Mi 4 nhằm nắm bắt các thông tin đặc điểm hiện trạng nguồn nước, khí hậu,..phía thượng nguồn và có cơ hội tiếp xúc, trao đổi những ý kiến liên quan đến an ninh nguồn nước của thành phố với đại diện Lãnh đạo của công ty CP TĐ Đắk Mi 4.