Hình ảnh hoạt động  
Sông Cái chảy về Đà Nẵng đang trơ đáy
Sông Cái chảy về Đà Nẵng đang trơ đáy

Tiếp theo chuỗi hoạt động thực tế, tìm hiểu về các lưu vực sông trên địa bàn phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, ngày 8 tháng 10 năm 2015, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên và Văn phòng Biến đổi khí hậu đã tổ chức chuyến tham quan hành trình lên thủy điện Đak Mi 4.

Tham gia chuyến tham quan gồm cán bộ của các sở ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Khoa học & Công nghệ, Viện Khoa học thủy lợi miền Trung & Tây Nguyên, cán bộ Văn phòng Biến đổi khí hậu cùng chuyên gia thủy lợi ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Đoàn tham quan thủy điện Đăk Mi 4

 

Công trình Thủy điện Đak Mi 4 được xây dựng trên thượng nguồn sông Vu Gia, thuộc xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Công trình gồm 02 bậc, bậc trên Đak Mi 4a công suất 148MW và bậc dưới Đak Mi 4b công suất 42MW, sản lượng điện bình quân hàng năm cung cấp cho lưới điện Quốc gia là 752 triệu kWh. Với thiết kế, Đak Mi 4 lấy nước từ sông Đak Mi (nhánh của sông Vu Gia) để phát điện và trả dòng nước về sông Thu Bồn. Nước về sông Vu Gia – nguồn nước chính cung cấp cho thành phố Đà Nẵng giảm hẳn.

 

Dòng sông Cái nhìn từ thủy điện Đăk Mi 4

Trong bối cảnh của tình trạng thời tiết, khí hậu thay đổi, tình hình cấp nước cho thành phố sẽ rất khẩn cấp. Vị trí lấy nước tại sông Cầu Đỏ (nơi cung cấp hơn 90% lượng nước sinh hoạt của Đà Nẵng) sẽ bị nhiễm mặn nặng nề, buộc phải bơm nước dự phòng từ trạm An Trạch cách đó 8km về ứng cứu. Tuy nhiên, việc lấy nước từ An Trạch về không đơn giản, tốn kém hàng tỉ đồng và có nguy cơ xảy ra các sự cố bất khả kháng.

Thông qua chuyến đi đi thực tế, đoàn tham quan cảm nhận rất rõ sự tàn phá của thiên nhiên và bàn tay của con người. Vào trung tuần tháng 10 đang là mùa mưa, nhưng dòng sông Cái chảy về thành phố Đà Nẵng đang trơ đáy. Nhìn dưới góc độ tự nhiên, thì đây là do ảnh hưởng của Elnino và Lanina, sự thay đổi thời tiết. Nhưng những ảnh hưởng đến nguồn nước nói riêng và môi trường nói chung sẽ không nghiêm trọng đến vậy nếu không có sự can thiệp của chính con người. Nói theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thành phố, để hình thành ra những con sông như sông Cái thì cần đến cả ngàn năm, nhưng chỉ cần một vài năm thì những công trình do con người làm ra hoàn toàn có thể phá hủy cả một con sông, cả một hệ sinh thái đi cùng nó.

 

 

 Dòng sông Cái đang dần trơ đáy

Liên quan đến quy trình xã lũ, chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng chia sẻ “Tại Đak Mi, mùa mưa đến trễ, kết thúc trễ trong khi tại A Vương thì mùa mưa đến sớm, kết thúc sớm, vì vậy, không nên đưa quy trình xả lũ của các thủy điện giống nhau, mà cần phải đánh giá, tính toán cụ thể”.

Trên đường về, đoàn tham quan thấy rõ hình ảnh tương phản khi dòng sông chảy về Thu Bồn đầy nước, cây cối phát triển trù phú, khác xa hình ảnh của con sông Cái trơ đáy, đầy sỏi đá. Chuyến tham quan này làm cho nhiều thành viên trong đoàn phải suy nghĩ về vai trò, trách nhiệm của mình đối với nguồn tài nguyên nước nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung. Đây thực sự là hoạt động rất bổ ích, cần phải nhân rộng để cán bộ của các Sở, ban ngành liên quan thấy được tình hình thực tế, để có những đề xuất, tham mưu phù hợp, để thành phố ứng phó, chống chịu tốt với tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến Đà Nẵng.

 
 
Các bài liên quan
 Khảo sát thực tế nguồn nước mặt phía thượng nguồn của hệ thống sông Vu Gia (15/10/2015)