Nội quy thư viện  
Tập huấn công cụ đánh giá và lập quy hoạch dùng nước WEAP

Tập huấn công cụ đánh giá và lập quy hoạch dùng nước WEAP

Sáng ngày 05-11-2015 tại Hội trường Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên phối hợp với Văn phòng Biến đổi khí hậu Tp Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn sử dụng công cụ Đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước (WEAP) cơ bản nhằm trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản để các học viên có thể bước đầu tiếp cận, áp dụng vào thực tế công tác quản lý Tài nguyên nước của địa phương.

Tham dự lớp tập huấn cán bộ của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, Cán bộ Văn phòng biến đổi khí hậu cùng các học viên đến từ địa bàn thành phố gồm: Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa, phòng TNMT các quận huyện và học viên từ địa phương: Huế, Ninh Thuận, Quảng Nam.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Ông Hoàng Ngọc Tuấn – Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên chia sẻ, dự án tài nguyên nước được thực hiện nhằm hỗ trợ công tác quy hoạch tài nguyên nước của thành phố Đà Nẵng trong tương lai sẽ mang tính chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc (1) đánh giá thực trạng công tác quản lý tài nguyên nước mặt, (2) Đánh giá hiện trạng tài nguyên nước mặt, (3) Dự báo nguồn tài nguyên nước mặt trong bối cảnh phát triển đô thị và biến đổi khí hậu, (4) Dự báo nhu cầu dùng nước trong bối cảnh phát triển đô thị và biến đổi khí hậu, (5) Đề xuất các giải pháp thích hợp về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Với yêu cầu đặt ra như trên các chuyên gia thực hiện dự án cần có một công cụ cho quy hoạch TNN, tính toán nhu cầu nước cho các ngành, dự báo nguồn nước đến, dự báo nhu cầu nước cũng như cân bằng nước theo các kịch bản. Có nhiều mô hình tính toán cân bằng nước được sử dụng trên thế giới như mô hình MITSIM, WUS, BASINS, MIKE BASIN nhưng qua nghiên cứu WEAP là mô hình được lựa chọn sử dụng cho dự án TNN với các đặc tính ưu việt cao thuận tiện và thân thiện với người sử dụng, các tính toán liên quan điều có thể tích hợp trong một mô hình do đó có thể dễ dàng thay đổi các dữ liệu đầu vào cũng như kiểm soát được kết quả đầu ra.

TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên phát biểu khai mạc lớp tập huấn

WEAP được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì Weap mới chỉ sử dụng cho một số ít các nghiên cứu và chưa sử dụng ở Đà Nẵng. Để có thể ứng dụng được bộ công cụ này, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên đã phối hợp với CCCO, chuyên gia ISET, các sở, ngành và các chuyên gia địa phương để xây dựng được một bộ dữ liệu khá đầy đủ về tài nguyên nước của thành phố Đà Nẵng, gồm: địa hình, mạng lưới sông, khí tượng, thủy văn, các đối  tượng hồ chứa, nhu cầu nước cho các ngành. Dự án thực hiện trong hai năm, Sau quá trình nỗ lực nghiên cứu, đến thời điểm hiện tại Viện KHTLMT&TN đã làm chủ được công cụ WEAP. Viện là đơn vị đi tiên phong cả nước trong việc tiếp nhận, phát triển mô hình này, tuy nhiên để đưa vào sử dụng rộng rãi, phổ biến cần có sự giúp đỡ tài chính của các tổ chức trong và ngoài nước cũng như tinh thần hợp tác, cùng chung tay xây dựng bộ dữ liệu đầu vào của các địa phương trên cả nước.

Đây là lần thứ hai lớp tập huấn được tổ chức với nội dung được cập nhật hoàn chỉnh gồm 6 chuyên đề được trình bày trong 2,5 ngày. Ngày đầu tiên, cán bộ của Viện tập trung vào giới thiệu tổng quan mô hình WEAP, làm quen với thao tác sử dụng các thuật ngữ trong phần mềm, tạo cơ sở dữ liệu cho các lưu vực trên mô hình. Ngày thứ hai đi sâu vào việc xây dựng các kịch bản liên quan đến TNN và xuất, sử dụng kết quả nguồn nước trên mô hình WEAP. Kết thúc tập huấn các học viên sẽ được trao giấy chứng nhận kết thúc khóa học.

ThS. Đặng Đình Đoan - Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên giới thiệu về các mô hình tính toán cân bằng nước 

 

Các học viện nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học

 

Các thành viên tham dự lớp tập huấn

 

 
 
Các bài liên quan
 Phiếu mượn sách thư viện (16/12/2014)
 Nội quy thư viện Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên (16/12/2014)