Tin trong nước & quốc tế  
Giải pháp và kỹ thuật nhằm giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất

Nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai, trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Bộ Nông nghiệp & PTNT) và Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT), Tổng cục Phòng, chống thiên tai chủ trì tổ chức “Hội thảo hợp tác Việt Nam – Nhật bản trong quản lý thiên tai lần thứ 7: Giải pháp và kỹ thuật nhằm giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất” ngày 11/10/2019, tại Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên trong khuôn khổ thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ MLIT nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về chính sách, công nghệ, trao đổi chuyên gia, đào tạo, hội thảo về phòng chống thiên tai.

 

Tham dự Hội thảo có đại diện đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Đất đai, Đại sứ quán Nhật, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và từ các Bộ, ngành liên quan, các đối tác, các tổ chức quốc tế và 36 tỉnh, thành.

 

Các đại biểu Việt-Nhật tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm.

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp & PTNT và Ông Masahiko Murase, Giám đốc cơ quan Các vấn đề quốc tế, Tổng cục Quản lý thiên tai và Nguồn nước (Bộ MLIT) đồng chủ trì Hội thảo.

Trong lời phát biểu khai mạc, Bà Đoàn Thị Tuyết Nga đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Tổng cục Phòng, chống thiên tai và MLIT trong công tác phòng, chống thiên tai, nhấn mạnh: “ Với kinh nghiệm lâu năm về phòng chống thiên tai và trình độ KHCN phát triển vượt trội so với các quốc gia trên thế giới, Nhật Bản đã phát triển hoàn thiện các chính sách, nghiên cứu các công nghệ hiện đại trong quản lý rủi ro do lũ quét và sạt lở đất. Với mối quan hệ hữu nghị sâu sắc, trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã và đang có những chính sách hỗ trợ Việt Nam trong công tác quản lý rủi ro thiên tai nói chung và lũ quét, sạt lở đất nói riêng. Tuy nhiên để giảm thiểu rủi ro do lũ quét và sạt lở đất tại Việt Nam, vẫn cần thêm sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các đồng nghiệp Nhật Bản.”

 

Đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai (MARD) và Đại diện Tổng cục Quản lý thiên tai và nguồn nước (Bộ MLIT) đồng chủ trì Hội thảo

”Bây giờ chính là thời điểm phải có những hành động thực tiễn để thích ứng biến đổi khí hậu. Để làm được điều này cần phải có sự hợp tác tìm kiếm các công nghệ tiên tiến và hiện đại thông qua trao đổi kiến thức.  Chúng ta cần phải phối hợp với nhau để tăng cường nhận thức, thúc đẩy sự tham gia và nâng cao tinh thần trách nhiệm của tất cả các cấp.” Ông Masahiko Murase, đại diện Đoàn công tác Nhật bản, bổ sung trong lời phát biểu của mình.

 

Quang cảnh toàn bộ đại biểu tham gia Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và Nhật bản đã trình bày các vấn đề cụ thể, như: Tổng quan về lũ quét, sạt lở đất tại Việt Nam và Nhật bản, kinh nghiệm ứng phó với lũ quét và sạt lở đất ở tỉnh Thanh Hóa.  Một số công nghệ phòng chống lũ quét, sạt lở đất như: bảo trì và giám sát đê, các công trình trên sông và đập, nâng cấp các đập hiện có của Nhật bản; Tiêu chuẩn thiết kế đập chắn bùn đá; Việc chuyển giao tiêu chuẩn kỹ thuật phòng chống lũ quét và sạt lở đất của Nhật bản áp dụng tại Việt Nam; Các giải pháp ứng phó thảm họa về trầm tích ở Nhật Bản ,v.…

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã tập trung chia sẻ thông tin về các chính sách, công nghệ và các bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất.  Các đại biểu cho rằng, các vấn đề trình bày tại Hội thảo đã thực sự thu hút sự chú ý đặc biệt của các đại biểu. Nhiều ý kiến tham luận từ các cán bộ, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong quản lý rủi ro thiên tai đã giúp Hội thảo thành công và thu được những kết quả tốt đẹp như mong đợi. Hội thảo góp phần giúp cho các bên hiểu thêm về công tác phòng chống thiên tai của Việt Nam và Nhật bản, qua đó xây dựng và thực hiện những hỗ trợ, hợp tác phù hợp với từng quốc gia./.

Theo http://phongchongthientai.mard.gov.vn

 
 
Các bài liên quan
 Quảng Nam đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử (22/07/2019)
 Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên (08/07/2019)
 Đà Nẵng tìm đột phá trong chiến lược nhân lực (01/04/2019)
 Lưu vực Vu Gia – Thu Bồn vẫn thiếu nước (23/11/2018)
 Hội nghị Khoa học Cơ học Thủy khí toàn quốc lần thứ 21 (26/07/2018)