Tin trong nước & quốc tế  
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Xây dựng 'kho' chứa nước lớn cho các vùng khô hạn

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cho biết: Nước là tài nguyên tái tạo nhưng hữu hạn. Vấn đề an ninh nguồn nước trên thế giới sẽ ngày càng nóng bỏng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại phiên giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập sáng 17/8

Việt Nam không phải nhóm giàu tài nguyên nước

Tại phiên giải trình trước Thường vụ Quốc hội về An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập vào sáng 17/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Mặc dù 70% bề mặt trái đất là nước nhưng có tới 97% là nước mặn, chỉ có 3% còn lại là nước ngọt. Điều đó càng khẳng định nước ngọt là rất hữu hạn và ngày càng khan hiếm chứ không phải “nhiều như nước”.

Năm 2000, Hội đồng Nước Thế giới đã nhận định “Thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng về nước,…”. Có thể nói, An ninh nguồn nước vừa là mục tiêu vừa là giải pháp trong sự phát triển chung của nhân loại.

Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, để đánh giá An ninh nguồn nước của một quốc gia cần dựa vào các khía cạnh: An ninh nước trong sinh hoạt, phát triển kinh tế, đô thị, môi trường, và khả năng thích ứng với các thảm họa liên quan tới nước.

Việt Nam có 7.570 hồ, đập trữ nước với tổng dung tích khoảng 70,5 tỉ m3, dung tích chứa tính trên đầu người khoảng 440 m3 /người (không thuộc nhóm giàu tài nguyên nước).

Hiện tại năng lực cơ sở hạ tầng của chúng ta mới chỉ đáp ứng để khai thác, sử dụng được khoảng 81 tỷ m3 /năm (chiếm khoảng 10% lượng nước mặt) cho tất cả các nhu cầu về sử dụng nước. Trong đó, trên 80% được sử dụng cho nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3 /năm).

Thảm phủ rừng - nhân tố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên, hiện có 14,61 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 42%. Nếu chỉ tính cho nguồn nước nội sinh, chỉ đạt 3.300 m3 , được đánh giá là thấp so với trung bình ở Đông Nam Á (4.900 m3 ) và thế giới (4.000 m3 ).

Để giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước, cần tính toán cân bằng nước phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân ở từng địa phương, vùng miền. Ảnh: Minh Phúc.

Để giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước, cần tính toán cân bằng nước phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân ở từng địa phương, vùng miền

Việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông sẽ có tác động đến biến đổi dòng chảy về nước ta, dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, tổng lượng nước tập trung chủ yếu vào mùa mưa, mùa khô kéo dài hơn nhưng chỉ chiếm (10-30%). Đặc biệt nhiều vùng, địa bàn không cân đối được nguồn nước trong mùa khô; hạn hán, thiếu nước thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương có thể làm trầm trọng thêm mức độ căng thẳng nước trên các lưu vực sông.

Chưa đảm bảo cả về lượng và chất

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến cho nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng, ô nhiễm môi trường nước đã và đang gây ra những thiệt hại kinh tế ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và môi trường.

Việc khai thác nước dưới đất thiếu quy hoạch, khai thác quá mức đã gây ra nhiều hệ lụy như sụt, lún đất, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Tài nguyên nước chưa được coi là một loại hàng hóa đặc biệt, giá dịch vụ nước chưa được tính đúng, tính đủ nên ý thức về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước không cao, còn gây lãng phí nước. Phần lớn trong chúng ta vẫn còn suy nghĩ nguồn nước là vô tận và sẵn có.

Trước những thách thức về An ninh nguồn nước như trên, Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực thủy lợi (ban hành Luật Thủy lợi và các Nghị định, thông tư liên quan); Chính phủ đã ban hành Chiến lược Thủy lợi và hiện nay, Bộ đang xây dựng Quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai quốc gia, tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề về An ninh nguồn nước của từng vùng.

“Tư lệnh” ngành Nông nghiệp cho biết, giải quyết An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước phải được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa mục tiêu, liên ngành, đảm bảo số lượng và chất lượng nước; kết hợp hài hoà giải pháp công trình và phi công trình.

Trong đó kết cấu hạ tầng về nước giữ vai trò quan trọng đặc biệt; nâng cao mức bảo đảm an toàn công trình, hiệu quả quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng ngành nước; ứng dụng công nghệ tiên tiến, thông minh, hiện đại hoá hệ thống ngành nước.

Về nhóm giải pháp mềm (phi công trình), cần nâng cao nhận thức về nguồn nước, tổ chức quản lý và khai thác nguồn nước: Nâng cao nhận thức và hành động cho từng cá nhân, tổ chức từ Trung ương đến địa phương về nguồn nước và đảm bảo an ninh nguồn nước.

Xây dựng các “kho” chứa, trữ nước lớn cho các vùng khan hiếm nước

Để làm được điều đó, cần đánh giá lại toàn diện các lưu vực sông để có giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước một cách hiệu quả, xây dựng các “kho” chứa, trữ nước lớn cho các vùng khan hiếm nước.

Đặc biệt, cần bảo vệ, phục hồi và nâng cao chất lượng cho thảm phủ thực vật, chú trọng việc mở rộng rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển, đặc biệt là rừng đầu nguồn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Đây cũng là giải pháp góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong nhiều năm qua, chúng ta đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi quan trọng, tuy vậy, đến nay vẫn còn chưa hoàn chỉnh và bị động (ngập lụt về mùa mưa, hạn hán, thiếu nước về mùa khô). Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề và thực tiễn đặt ra, Bộ NN-PTNT đã  kiến nghị, đề xuất cụ thể trong tài liệu gửi đến các Đại biểu với một số nội dung lớn.

Một là đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về “An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước” làm cơ sở để Chính phủ và các địa phương triển khai thực hiện.

Hai là, các cấp ủy Đảng đưa nội dung an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chức nước vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Ba là, đề nghị Chính phủ xây dựng Đề án về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, đồng thời ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động xây dựng phương án đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập hồ chức nước trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về quản lý vận hành công trình thủy lợi, về chất lượng nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo https://nongnghiep.vn/

 

 
 
Các bài liên quan
 Việt Nam chịu nhiều rủi ro do phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước sông quốc tế (17/08/2020)
 Độ mặn trên hệ thống thủy lợi An Trạch vẫn ở mức thấp (12/08/2020)
 Chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch kém (12/08/2020)
 Nguy cơ nhiễm mặn nước sinh hoạt tại Đà Nẵng (26/03/2020)
 Nhiều nhà máy thủy điện miền Trung thiếu nước trầm trọng (13/02/2020)